Bom xung điện từ - “khắc tinh” của thiết bị điện

Các thiết bị sử dụng điện như máy vi tính, tivi, tủ lạnh, điện thoại, xe điện… có thể bị vô hiệu hóa hoàn toàn nếu chịu sự tác động của bom xung điện từ.

Thời gian gần đây, bom xung điện từ được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông. Thực tế, khái niệm vũ khí xung điện từ đã xuất hiện từ thập niên 60 thế kỷ trước. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp và chi phí cao, công nghệ này chỉ dành cho các lực lượng quân sự có tiềm lực kinh tế mạnh.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta luôn được bao bọc bởi năng lượng điện từ dưới nhiều dạng khác nhau, như sóng đài phát thanh, sóng điện thoại di động, ánh sáng, vi sóng hay sóng x-quang. Đồng thời, xã hội càng phát triển kéo theo sự xuất hiện của các thiết bị sử dụng điện ngày càng nhiều. Thông thường, các thiết bị chỉ được thiết kế với một cường độ dòng điện nhất định, hoạt động ổn định. Do đó, bất cứ một thay đổi hay biến động nào trong cường độ dòng điện sẽ gây ra sự cố. Đây chính là điểm yếu mà bom EMP tập trung khai thác. Theo đó, loại vũ khí này được thiết kế để tạo ra một điện từ trường cường độ mạnh, làm quá tải và phá hủy các mạch điện.

Thí dụ, dòng điện ở đầu phát sóng phát thanh có cường độ khá yếu, chỉ đủ để tạo ra dòng điện từ truyền tín hiệu đến đầu thu. Tuy nhiên, nếu tăng cường độ tín hiệu (từ trường) lên đáng kể, nó sẽ tạo ra một dòng điện từ mạnh hơn, làm cháy các bộ phận bán dẫn bên trong máy rađio, thậm chí phá hủy máy phát sóng phát thanh.

Các thiết bị điện sẽ ngừng hoạt động nếu chịu tác động của bom xung điện từ  (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, quan trọng hơn, một từ trường biến thiên có khả năng tạo ra một luồng điện cực mạnh trong bất kỳ vật dẫn điện nào khác, như dây điện thoại, dây cáp điện hoặc các ống dẫn làm bằng sắt. Các vật dẫn điện này vô tình trở thành ăng-ten truyền tải dòng điện khổng lồ cho các thiết bị điện khác được kết nối với chúng (ví dụ, các máy tính được cắm vào dây điện thoại). Một luồng điện đủ lớn chạy qua có thể làm cho các thiết bị bán dẫn bị cháy rụi, làm tan chảy các dây dẫn và pin, thậm chí gây cháy nổ các máy biến thế, gây mất điện trên diện rộng.

Khó có thể lường hết được hậu quả nếu một thành phố không có điện, đồng nghĩa với việc khả năng ứng cứu khẩn cấp bị giảm đi đáng kể và tính mạng của hàng nghìn con người bị đe dọa, hàng triệu USD bị mất do mọi hoạt động kinh doanh sản xuất đều bị ngừng trệ, có thể làm tê liệt toàn bộ mạng lưới an ninh quốc phòng, dẫn đến sự ngừng trệ của cả một quốc gia hay khu vực. Chính sự phụ thuộc này đã tạo ra điểm yếu và nó đã bị lợi dụng bởi loại vũ khí mới là bom xung điện từ.
 

Bom xung điện từ (ElectroMagnetic Pulse - EMP) bao gồm một khối hình trụ làm bằng thép chịu lực (còn gọi là phần lõi), bên trong chứa đầy chất nổ mạnh. Bao bọc bên ngoài lõi là các cuộn dây kim loại. Một bộ tụ điện được kết nối với các cuộn dây, tạo ra dòng điện chạy qua lõi.

- Năm 1958, khi tiến hành thử nghiệm bom Hydro (bom H), các nhà khoa học đã phát hiện ra một vụ nổ thử trên biển Thái Bình Dương gây cháy nổ hệ thống đèn chiếu sáng tại hòn đảo Hawaii, cách nơi tiến hành vụ nổ hàng trăm dặm. Đồng thời, vụ nổ cũng đã làm gián đoạn hoạt động của các thiết bị sóng radio ở châu Úc.

- Cơ quan phát triển quốc phòng Hàn Quốc (ADD) bắt đầu nghiên cứu phát triển công nghệ EMP từ năm 1999 và đến năm 2009 đã đưa ra một thiết bị có khả năng làm tê liệt các thiết bị điện tử trong vòng bán kính 100 m.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Giảng viên khoa Vật lý – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội: Bom xung điện từ được thiết kế để tạo ra một điện từ trường cường độ mạnh, làm quá tải và phá hủy các mạch điện. Do đó, loại vũ khí này đặc biệt nguy hiểm đối với các thiết bị dùng điều khiển bằng mạch điện tử (thang máy, hệ thống báo cháy, báo động đất…). Hệ thống lưới điện xoay chiều cũng có thể bị quá tải và ngắt mạch nếu dùng xung điện từ định hướng vào một số nút yếu trên đường truyền… Để hạn chế ảnh hưởng của xung điện từ, các nhà sản xuất thiết bị điện cần nghiên cứu đến phương án che chắn cho thiết bị.

 


  • 26/02/2014 04:17
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 20993


Gửi nhận xét