Điện hạt nhân – “Vũ khí” chống biến đổi khí hậu

Sử dụng năng lượng hạt nhân trên toàn cầu đã cứu sống khoảng 1,84 triệu người khỏi cái chết liên quan đến ô nhiễm không khí và giảm 64 tỷ tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện năng (trong giai đoạn 1971 - 2009).

Đó là kết quả nghiên cứu của hai nhà khoa học James E. Hansen và Pushker A. Kharecha (Đại học Columbia – Mỹ) và các cộng sự được công bố trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường của Hội Hóa học Mỹ.

Lo ngại những thay đổi sau sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản (tháng 3/2011) có thể làm “mờ” lợi ích của năng lượng hạt nhân, các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu trên cơ sở phân tích mối tương quan giữa điện hạt nhân với lượng khí thải carbon dioxide và khả năng tử vong do ô nhiễm không khí.

Giáo sư James E. Hansen cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm của các tổ chức quốc tế về tình hình nóng lên toàn cầu và ủng hộ việc phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, phản đối điện hạt nhân sẽ càng tác động mạnh đến sự biến đổi của khí hậu và gây ra những nguy hiểm cho con người”. Nói cách khác, nghiên cứu của các nhà khoa học đã chứng minh rằng, điện hạt nhân là “vũ khí” đánh bại sự biến đổi khí hậu có thể xảy ra từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện.

Sử dụng điện hạt nhân góp phần chống biến đổi khí hậu - Ảnh sưu tầm

Đồng thời, nhóm nghiên cứu còn khẳng định, phát triển điện hạt nhân là con đường duy nhất, đảm bảo đủ năng lượng cho một nền văn minh tiên tiến. Bởi, nhu cầu về năng lượng trên thế giới đang ngày càng gia tăng và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn nữa phục vụ nhu cầu của các nền kinh tế mới nổi.

“Chúng tôi chỉ có thể tăng nguồn cung cấp năng lượng, đồng thời giảm lượng phát thải khí nhà kính, nếu các nhà máy điện mới "quay lưng” lại với việc sử dụng khí quyển như một “bãi” chứa chất thải. Vì vậy, việc mở rộng và sử dụng năng lượng hạt nhân an toàn là giải pháp thực tế nhất để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”, giáo sư James E. Hansen khẳng định.

Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo như gió, năng lượng mặt trời hay sinh khối có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế thế giới trong tương lai, nhưng không thể mở rộng quy mô đủ lớn để cung cấp năng lượng giá rẻ và đáng tin cậy mà nền kinh tế toàn cầu đang đòi hỏi.

Là nguồn năng lượng xanh nhưng điện gió không thể đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu. Ảnh: sưu tầm

Tiến sĩ Pushker A. Kharecha bổ sung thêm, nếu năng lượng hạt nhân giảm đáng kể trong vòng 20 - 30 năm tới, việc sử dụng các công nghệ giảm phát thải carbon cần phải có những thành công đột phá để giảm nhẹ sự biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các công nghệ này đến nay vẫn chưa được chứng minh.

Gần đây nhất (ngày 7/11/2013), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã đưa ra bản báo cáo về mối tương quan giữa biến đổi khí hậu và năng lượng hạt nhân năm 2013. Bản báo cáo này đã được sửa đổi và cập nhật những thông tin mới nhất về vai trò của điện hạt nhân trong việc giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu và thách thức môi trường. Phiên bản 2013 cũng đề cập đến các vấn đề như chi phí đầu tư, an toàn, quản lý chất thải, nguy cơ bức xạ và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Báo cáo được công bố chính thức tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2013 (COP19) được tổ chức tại Varsava, Ba Lan từ ngày 11 – 22/11/2013. Đây là Hội nghị thượng đỉnh thường niên của các nước tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu, nhằm tìm ra phương hướng bảo vệ khí hậu toàn cầu.

 

Lượng khí thải nhà kính phát ra (triệu tấn CO2)

Lượng khí thải nhà kính có thể tránh được nếu sử dụng năng lượng hạt nhân (triệu tấn CO2)

Than nâu, than đá

2654

2581

Than đá

2236

2163

Dầu

1846

1773

Khí thiên nhiên

1256

1183

Hạt nhân

73

-

 

Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (World Nuclear Association), năm 2011 các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới đã sản xuất khoảng 2.518 tỷ kWh điện. Bảng dưới đây cho thấy lượng khí thải nhà kính phát ra từ các nguồn nhiên liệu khác nhau để sản xuất ra cùng một sản lượng điện:

 


  • 20/12/2013 07:41
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 3414


Gửi nhận xét