Các hiện tượng khí hậu đè nặng lên lưới điện tại nhiều quốc gia

Một ước tính của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy, chỉ riêng tại Mỹ, mỗi năm, tổng chi phí do mất điện đối với các doanh nghiệp là khoảng 150 tỷ USD.

Trong những tháng gần đây, các sự cố mất điện do tác động từ khí hậu đã liên tục xảy ra tại nhiều nơi, từ châu Âu, cho đến Ấn Độ, hay Mỹ. Đi kèm với đó là những thiệt hại kinh tế đáng kể. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, mỗi năm, tổng chi phí do mất điện đối với các doanh nghiệp của quốc gia này là khoảng 150 tỷ USD. Điều này cho thấy, biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức rất lớn cho các hệ thống lưới điện tại nhiều quốc gia.

Dưới cái nắng chói chang của vùng biển Adriatic, cuộc sống tại thủ đô Podgorica của Montenegro đã phần nào chững lại vào đầu mùa Hè này. Việc đi lại trở nên khó khăn hơn do đèn tín hiệu giao thông tắt, các thiết bị ngừng hoạt động do mất điện đột ngột.

Ông Nikola, chủ quán cà phê cho hay: "Mất điện xảy ra đúng vào thời điểm chúng tôi bận rộn nhất, khi quán gần như kín khách. Chúng tôi không thể phục vụ đồ uống, khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề".

Mức tiêu thụ điện năng tăng đột ngột giữa thời tiết nóng nực, đã khiến hệ thống lưới điện tại Montenegro quá tải. Các nước láng giềng như Bosnia, Albania và Croatia có liên kết với lưới điện ở Montenegro, cũng chịu chung cảnh ngộ.

Ông Sasa Mujovic - Bộ trưởng Năng lượng Montenegro cho biết: "Lưới điện bị quá tải, kết hợp với nhiệt độ cao đã dẫn đến việc mất điện đột ngột. Khi một đường dây gặp vấn đề, các đường dây khác cũng sẽ chịu áp lực".

Không chỉ khu vực Balkan, các sự cố mất điện do nắng nóng tương tự cũng xuất hiện ở nhiều nơi, từ Ấn Độ ở Nam Á, Kuwait tại Trung Đông, cho tới Ecuador ở Nam Mỹ. Mới đây nhất, hàng triệu hộ gia đình tại bang Texas, Mỹ đã bị mất điện vì nắng nóng oi bức diễn ra sau cơn bão Beryl.

Giáo sư Michael Webber - Ngành Tài nguyên Năng lượng, Đại học Texas tại Austin thông tin: "Thời tiết tại Texas rất nóng vào mùa Hè, trong khi nền kinh tế ngày càng phát triển, và dân số ngày càng tăng gây áp lực nặng nề lên lưới điện. Và sau những đợt nắng nóng như thế này, sự căng thẳng càng lớn hơn nữa".

Theo các chuyên gia, phần lớn các hệ thống lưới điện đều đã được thiết kế và xây dựng trong những điều kiện khí hậu rất khác so với hiện tại. Do đó, rất nhiều vấn đề có thể nảy sinh.

"Lưới điện ở một số nơi đã rất cũ. Có những linh kiện có tuổi đời 50 năm. Có một số nơi đã được nâng cấp, nhưng sẽ mất nhiều thời gian, thậm chí hàng thập kỷ để nâng cấp toàn bộ lưới điện", phó Giáo sư Kyri Baker - Chuyên gia về năng lượng tái tạo, Đại học Colorado Boulder thông tin.

Ngoài nhu cầu tăng đột biến do nắng nóng, các hệ thống lưới điện trên thế giới còn phải đối mặt với những rủi ro khác từ các cuộc khủng hoảng khí hậu, chẳng hạn như các cơn lũ quét có thể làm sụp đổ các tháp truyền tải điện trong khi hạn hán làm khô các hồ chứa thủy điện. Đây sẽ là thách thức lớn cho lưới điện, không chỉ ở các nước nghèo, mà ngay cả các quốc gia giàu có hơn ở Mỹ hay châu Âu.

Theo báo cáo của Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg, để đạt mục tiêu đưa lượng phát thải ròng khí carbon về 0 vào năm 2050, thế giới sẽ cần tăng gấp đôi mạng lưới điện, lên 111 triệu km, tương đương gần 3/4 khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời. Điều này đòi hỏi khoản đầu tư 24.000 tỷ đô la Mỹ để nâng cấp và mở rộng mạng lưới điện toàn cầu.

Link gốc


  • 23/07/2024 04:00
  • Theo vtv.vn
  • 1376