EVN - Bức tranh đầu tư
Ngành Điện là một ngành kinh tế đặc biệt, có công nghệ hiện đại với kỹ thuật cao, hoàn toàn khác với các doanh nghiệp kinh doanh khác. EVN không chỉ làm kinh doanh đơn thuần mà còn thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội, đó là đảm bảo đủ điện cho sự phát triển đất nước và đời sống nhân dân.
Trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng, EVN luôn có những chiến lược dài hạn, đầu tư vào những dự án có quy mô lớn, mang tính đột phá và có ý nghĩa lịch sử, như các nhà máy thủy điện: Hòa Bình (1.920 MW), Trị An (440 MW), Ialy (720 MW)… Đặc biệt, công trình mang tầm vóc thế kỷ do Thủ tướng Võ Văn Kiệt khởi xướng và trực tiếp chỉ đạo, đó là hệ thống đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam từ Hòa Bình vào Phú Lâm. Đây là công trình do Việt Nam tự thiết kế và xây dựng lần đầu tiên có chiều dài kỷ lục 1.567 km, đi trên đồi núi cao dọc dãy Trường Sơn, từ Bắc vào Nam. Thông thường, công trình với khối lượng đồ sộ và địa hình khó như vậy phải xây dựng trong khoảng thời gian từ 7 đến 8 năm, nhưng với sự cố gắng hết mình của CBCN ngành Điện, sự hỗ trợ của nhân dân cả nước, công trình đã hoàn thành thắng lợi chỉ trong vòng 2 năm.
EVN luôn có chiến lược dài hạn, đầu tư vào các công trình nguồn điện lớn - Ảnh: Vũ Lam
|
Những năm gần đây, Chính phủ đã cho phép EVN được sử dụng những cơ chế đặc thù như ban hành Quyết định 797 để EVN làm chủ đầu tư xây dựng khoảng 40 nhà máy thủy điện theo hình thức chỉ định thầu. EVN chỉ đạo từ khâu thiết kế đến khâu thực hiện, đồng thời sử dụng sức mạnh tổng hợp để huy động các nhà thầu xây dựng trong nước, sử dụng một lượng thiết bị nội địa hóa về cơ khí và chỉ nhập khẩu những thiết bị chính ở nước ngoài. Hàng loạt các dự án đó đều triển khai xây dựng rất nhanh (từ 3-4 năm), đảm bảo chất lượng, hiệu quả kinh tế, đã tạo ra được khoảng 7.000 MW điện bổ sung cho hệ thống điện quốc gia.
Đặc biệt, dự án Thủy điện Sơn La công suất 2.400 MW, cung cấp sản lượng điện lên tới 10 tỷ kWh/năm, đã hoàn thành trước thời hạn 3 năm làm lợi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng. EVN còn đầu tư rất nhiều dự án nhiệt điện than, nhiệt điện khí như nhà máy nhiệt điện Phả Lại 2, Uông Bí (mở rộng), Hải Phòng, Quảng Ninh… Tại khu vực miền Nam, EVN tập trung xây dựng Trung tâm Điện lực Phú Mỹ - Bà Rịa công suất tới 4.000 MW và đang chuẩn bị xây dựng các nhà máy tua bin khí thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn công suất 3.300 MW.
Song song với việc phát triển nguồn, EVN còn tập trung đầu tư xây dựng phát triển hệ thống lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối, đồng bộ với các nhà máy phát điện. Ngoài đường dây siêu cao áp 500 kV mạch 1, EVN đã hoàn thành xây dựng đường dây 500 kV mạch 2. Với quy mô của 2 đường dây này, hằng ngày cung cấp cho miền Nam một lượng điện lên tới 2.000 MW. Đồng bộ với các đường dây 500 kV Bắc Nam, EVN còn xây dựng rất nhiều trạm biến áp 500 kV, đường dây và trạm 220 kV… để đảm bảo ổn định vận hành hệ thống điện.
Giải bài toán lỗ
Những năm gần đây, đặc biệt là những năm 2010 - 2011 do khô hạn nghiêm trọng, các nhà máy thủy điện thiếu nước sản xuất, hệ thống bị thiếu điện nghiêm trọng. Một số các nhà máy điện ở phía Nam phải chạy bằng dầu, giá 1 kWh điện chạy dầu lên tới 4.000 - 5.000 đồng, trong khi giá bán điện bình quân chỉ hơn 1.000 đồng/kWh, đã khiến cho EVN gặp rất nhiều khó khăn trong cân đối tài chính.
Mặt khác, EVN còn phải đảm đương nhiệm vụ chính trị rất lớn, đó là đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống điện nông thôn, vùng sâu, vùng xa với số vốn vay hàng tỷ USD. Đồng thời, số vốn vay nước ngoài hàng chục tỷ USD với tỷ giá thấp để đầu tư, xây dựng phát triển hệ thống nguồn và lưới điện những năm trước đây cũng bị lỗ do nay tỷ giá tăng khá cao.
Vấn đề đặt ra cho EVN là, phải phải làm thế nào để gỡ những khó khăn trên và giải “bài toán” đảm bảo hiệu quả sản xuất – kinh doanh? Trước hết EVN phải giảm tổn thất điện năng từ 9% xuống 8% hoặc 7%. Đặc biệt, EVN cũng cần sự chung tay của cả cộng đồng trong việc hạn chế tình trạng sử dụng điện quá lãng phí, thể hiện ở cường độ tiêu thụ điện rất cao, làm cho hệ số đàn hồi điện/GDP ở mức 2 đến 2,5. Với tổng sản lượng điện hệ thống năm 2013 khoảng 130 tỷ kWh, chỉ cần tiết kiệm được 5 - 7% lượng điện thì hằng năm sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng cho ngành Điện. EVN cần tìm mọi biện pháp để giảm giá thành, đảm bảo việc hạn chế lỗ và tăng lãi hàng năm. Mặt khác, số lỗ về tỷ giá thuộc về quản lý vĩ mô, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ về số tiền lỗ này.
Một nhiệm vụ quan trọng đó là, EVN cần phải làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc khách hàng. Đây được coi là việc làm thường xuyên, liên tục để khách hàng đồng tình ủng hộ.
EVN đã tái cơ cấu tổ chức, góp vai trò quan trọng trong xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh - Ảnh: Vũ Lam
|
Những bất cập về giá bán điện
Vấn đề giá bán điện là hết sức nan giải, do vậy mỗi lần tăng giá bán điện luôn gặp phản ứng mạnh từ dư luận xã hội. Bởi lẽ, điện là mặt hàng cần thiết cho mọi đối tượng, thành phần trong xã hội. Nếu không có điện, hoặc thiếu điện thì hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt của nhân dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến hậu quả khó lường.
Hiện tại, giá bán điện của Việt Nam đang ở mức 7,6 cent/kWh, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như: Campuchia giá điện tới 20,04 cent/kWh, Singapore 14,5 cent/kWh, các nước khác trên thế giới bình quân có giá từ 10 cent/kWh trở lên.
Một lý do bất khả kháng nữa là hiện nay do biến đổi khí hậu toàn cầu, nên Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hàng năm, số giờ nắng nóng, khô hạn kéo dài, đặc biệt là ở khu vực miền Trung và miền Nam. Do vậy, EVN phải sử dụng dầu để vận hành các nhà máy điện với giá thành rất cao. Việc tăng 5% giá bán điện, nghĩa là mỗi 1 kWh tăng thêm khoảng 70 - 71 đồng, thì vẫn chưa đủ bù đắp cho số lỗ trước đây và số lỗ lũy kế hàng năm cứ tiếp tục gia tăng.
Bất cập về giá còn thể hiện ở hàng chục dự án điện được đầu tư theo hình thức BOT, IPP nằm trong Quy hoạch điện VII đã không đủ sức lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài cũng bởi chính sách giá điện và trình tự thủ tục đầu tư còn nhiều bất cập, phức tạp. Trên thực tế đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài bỏ cuộc, bởi giá bán điện của chúng ta còn thấp, dẫn đến thời gian thu hồi vốn quá dài, giảm hiệu quả đầu tư…
Thay đổi chính sách đầu tư và sử dụng vốn
Ngày 21/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số: 1208/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (QHĐ VII). Theo đó, phải xây dựng 52 nhà máy nhiệt điện chạy than, 2 nhà máy điện nguyên tử và một số dự án thủy điện. Số vốn đầu tư cho các dự án trên khoảng 50 tỷ USD. Trong đó, giao cho 3 tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước là: EVN, PVN, TKV, còn lại các dự án BOT, IPP là do nước ngoài đầu tư.
Đến nay, một số dự án bị chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là khâu chỉ đạo, điều hành. Thứ hai là tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng. Thứ ba là trình tự lập các hồ sơ theo thủ tục xây dựng cơ bản cũng như việc tổ chức đấu thầu rườm rà và kéo dài. Thứ tư là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư gặp nhiều khó khăn...
Mục tiêu của QHĐ VII tới năm 2020 là sẽ xây dựng được 75.000 MW, sản lượng điện phát ra từ 330 đến 360 tỷ kWh/năm. Lúc đó tỷ trọng của nhiệt điện sẽ cao hơn thủy điện để đảm bảo cung cấp đủ điện cho mùa khô, ngoài ra còn có điện dự phòng. Các dự án xây dựng nhà máy phát điện được bố trí dọc theo duyên hải từ Bắc vào Nam. Nếu hoàn thành được sẽ đảm bảo việc cung cấp điện một cách hợp lý cho từng miền, từng khu vực và từ các nhà máy phát điện lớn sẽ có các đường dây 500 kV đấu nối với đường dây trục chính Bắc - Nam, hệ thống lưới điện 500 kV Bắc - Nam sẽ làm nhiệm vụ điều hòa toàn bộ hệ thống và tạo ra mạch vòng của lưới 500 kV, từ đó sẽ giảm được tổn thất điện năng.
Từ nay đến 2020 chỉ còn 7 năm để thực hiện QHĐ VII, sẽ rất khó khăn nếu tình hình triển khai chậm, kéo dài, đặc biệt gay cấn nhất đó là việc thiếu vốn của hàng loạt các dự án.
Thực tế hiện nay, trong ba tập đoàn: EVN, PVN, TKV thì EVN chiếm số lượng dự án nhiều nhất. Hiện tại, trong QHĐ VII, EVN đã hoàn thành được một số dự án bổ sung cho hệ thống điện quốc gia trên 4.000 MW. Đa số dự án còn lại, gồm các dự án nhiệt điện chạy than và một số dự án thủy điện như: Thái Bình 1 (600 MW), Duyên Hải 1 (1.200 MW), Duyên Hải 3 (1.200 MW), Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 2 (1.200 MW), Vĩnh Tân 4 (1.200 MW), đang đẩy mạnh xây dựng Thủy điện Lai Châu, Thủy điện Huội Quảng, Trung Sơn và một số dự án thủy điện tích năng.
Ngoài việc đảm bảo phát triển nguồn và lưới điện cho quốc gia, EVN chung tay thực hiện nhiệm vụ công ích, xóa đói giảm nghèo bền vững - Ảnh: CTV
|
Bên cạnh đó, EVN đang làm việc với đối tác Nga và Nhật Bản để sớm hoàn thành và trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) của hai nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận 1 và 2. Các dự án trên sẽ đóng góp hàng chục nghìn MW công suất cho hệ thống điện quốc gia.
Song song với việc xây dựng nguồn điện, EVN còn tập trung xây dựng nhiều dự án đường dây và trạm. Trong đó, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) đã và đang hoạt động rất tốt, xây dựng rất nhiều đường dây và trạm 500 kV, 220 kV góp phần cải thiện việc cung cấp điện mùa khô năm nay ở khu vực miền Nam, cũng như các dự án đường dây và trạm đồng bộ với các nhà máy phát điện. Các tổng công ty điện lực miền: Bắc, Trung, Nam và 2 thành phố: Hà Nội, TP. HCM đã, đang tích cực đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống đường dây và trạm từ 110 kV, 22 kV, hệ thống lưới điện hạ thế để đưa điện về các hộ tiêu dùng.
Những năm qua, EVN đã tái cơ cấu tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp, thành lập 3 tổng công ty phát điện (GENCO) để vận hành, quản lý, đầu tư xây dựng các nhà máy phát điện (trừ một số nhà máy thủy điện đa mục tiêu như: Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Yaly…). Điều này sẽ giảm bớt gánh nặng tập trung ở EVN và tạo điều kiện cho việc đa dạng hóa thị trường phát điện cạnh tranh.
Như vậy, để thực hiện triển khai các dự án xây dựng nhà máy phát điện, xây dựng đường dây và trạm đồng bộ nêu trên, EVN cần phải có một lượng vốn khoảng trên 400.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD). Hiện nay, ngay cả vốn đối ứng để vay các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước EVN đang gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề này chỉ có một giải pháp duy nhất, đó là Chính phủ cần xem ngành Điện là một ngành thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng của đất nước, từ đó có chính sách huy động vốn đầu tư, tạo điều kiện cho ngành Điện có điều kiện tiếp tục xây dựng hoàn thành các dự án nguồn và lưới điện theo đúng Quy hoạch đã được duyệt.
Trọng trách của EVN
Trong "tam giác bền vững" của 3 trụ cột ngành Năng lượng Việt Nam là EVN, PVN, TKV, thì EVN gánh trọng trách nặng nề nhất. Để thực hiện được nhiệm vụ to lớn của Đảng và Nhà nước giao, với đội ngũ cán bộ công nhân có trình độ, có kiến thức, có tầm nhìn, có tư duy đổi mới, sáng tạo, đội ngũ công nhân có tay nghề cao, EVN cần phải tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong đầu tư xây dựng các nhà máy phát điện, đồng bộ với việc xây dựng các đường dây và trạm biến áp.
Để trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, ngành Năng lượng nói chung và EVN nói riêng phải tìm ra những khâu đột phá mới để tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu của QHĐ VII, đạt được công suất nguồn là 75.000 MW điện với sản lượng điện tương ứng 360 tỷ kWh/năm. Lúc đó, sản lượng điện đầu người của Việt Nam sẽ đạt được khoảng 3.000 kWh. Đó là một trong những tiêu chí hàng đầu của một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.