Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có 3 tổng công ty phát điện nằm trong danh sách các doanh nghiệp phải khẩn trương cổ phần hóa (CPH). Tại Hội nghị tổng kết EVN cuối năm 2013, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, hiện công tác CPH cũng được Tập đoàn chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể triển khai sớm...
Tuy nhiên, đối với các tổng công ty phát điện thuộc EVN (EVN GENCO), chủ trương CPH ngay trong năm 2014 - 2015 có khả thi và các tổng công ty sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như thế nào?
Ý kiến chuyên gia và lãnh đạo một số EVN GENCO trước vấn đề đang rất "nóng" này...
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học - Đặng Hùng Võ: Khó đến đâu, gỡ đến đó
Theo tôi, bây giờ không phải là lúc chúng ta tranh luận có nên CPH hay không, CPH vào thời điểm nào... Thực tế đã chứng minh, CPH là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết về vấn đề này và đã chỉ đạo rất quyết liệt trong suốt thời gian qua. Thời hạn để hoàn thiện công tác CPH đối với các doanh nghiệp cũng không còn dài (cuối năm 2015). Vì vậy, việc cần làm lúc này là các doanh nghiệp phải nhanh chóng vào cuộc, lựa chọn phương án CPH phù hợp để đảm bảo thành công.
Đối với các tổng công ty nguồn điện của EVN, tôi nghĩ cũng sẽ có một số khó khăn nhất định so với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khác. Do đây là các đơn vị nắm hầu hết các công ty phát điện lớn trong cả nước, nên dù chúng ta có "bán" thì cũng chưa chắc đã có nhiều khách hàng có khả năng mua, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn chưa thực sự hồi phục sau suy thoái như hiện nay.
Thị trường chứng khoán Việt Nam thì cũng đang rất im ắng, cổ phiếu ngành Điện dù có lên sàn cũng sẽ chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư.... Đó là chưa kể đến những vướng mắc khác có thể phát sinh, khi mà Việt Nam vẫn chưa có một thị trường điện đúng nghĩa...
Tuy nhiên, "khó đến đâu, gỡ đến đó", nếu không bắt đầu thì sẽ không bao giờ có kết thúc. Tôi nghĩ đây chính là lúc ngành Điện cần thể hiện quyết tâm của mình, CPH thành công, từng bước xây dựng một thị trường điện phát triển đúng hướng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Hữu Hào Cần mạnh dạn cổ phần hóa
Nghị quyết 15 ngày 6/3/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh CPH, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nêu rõ: Các bộ, ngành căn cứ Đề án Tái cơ cấu giai đoạn 2011 - 2015 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý xây dựng kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa trình cơ quan quyết định cổ phần hóa phê duyệt để thực hiện.
Doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, tiến độ thoái vốn đã đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện theo hướng phù hợp với Đề án Tái cơ cấu đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc thoái vốn hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2015. Đồng thời, bảo đảm nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, hiệu quả.
Theo quan điểm của tôi, các tổng công ty phát điện của EVN khi mới bắt tay vào thực hiện CPH chắc chắn sẽ gặp những khó khăn vướng mắc nhất định. Trước đây ngành Điện đã tiến hành cổ phần một đơn vị đó là Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hóa.Lúc đầu, Công ty cũng gặp khó khăn, nhưng sau đó đã hoạt động hiệu quả và minh bạch. Vì vậy, đối với 3 tổng công ty phát điện, chúng ta cần phải mạnh dạn tiến hành cổ phần nhanh để tiến tới một thị trường phát điện minh bạch.
Ông Nguyễn Văn Lê – Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Phát điện 3 (EVN Genco 3): Chủ động
Ngay sau khi có chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc từng bước thực hiện lộ trình CPH Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty đã chủ động lập phương án, kế hoạch triển khai cụ thể.
Khi bắt tay vào triển khai, chúng tôi cũng thấy có khó khăn. Khó khăn lớn nhất chính là thiếu vốn nghiêm trọng đầu tư các dự án nguồn điện cho các năm tiếp theo. Trong khi đó, doanh nghiệp lại không thể vay bổ sung vốn cho các dự án đó, vì vốn vay hiện chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng mức đầu tư của dự án (trên 85%). Bên cạnh đó, nguồn vốn lưu động của Genco 3 quá thấp, không đáp ứng yêu cầu chi phí sản xuất của một chu kỳ thanh toán tiền điện, khi đó các nhà đầu tư thấy nợ lớn quá, nên cũng băn khoăn trong việc đầu tư.
Khó khăn thứ 2 xuất phát từ chính thị trường chứng khoán của nước ta hiện nay, khi người mua chưa mặn mà với các ngành đầu tư hạ tầng đặc biệt là các hạ tầng của ngành Điện. Chính vì thế, chúng tôi hi vọng là sẽ có thêm những nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia xây dựng các dự án nguồn điện.
Ông Nguyễn Loãn - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Phát điện 1 (EVN GENCO 1): Sẽ khả thi, nếu có quyết tâm
Theo tôi, CPH là hướng đi phù hợp, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay. Bản thân các EVN GENCO cũng như EVN GENCO 1 nếu CPH thành công, sẽ tạo được động lực mới để phát triển. Và quan trọng nhất là vấn đề huy động vốn lớn cho các dự án điện về lâu dài sẽ được giải quyết.
Hiện EVN GENCO 1 cũng đã thành lập Ban CPH và đang tích cực triển khai các bước cần thiết, theo chỉ đạo của EVN. Tất nhiên trong quá trình thực hiện, sẽ không tránh khỏi các khó khăn, thách thức... Nhưng theo tôi, không vì thế mà chúng ta e ngại CPH. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng đã CPH thành công. Đây sẽ là động lực cho các GENCO nói chung và GENCO 1 nói riêng nỗ lực triển khai CPH thành công.
Về lộ trình thực hiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng đã chỉ đạo EVN nên lựa chọn 1 GENCO có nguồn lực mạnh nhất để triển khai thí điểm ngay trong năm nay. Theo tôi, đó là bước đi cần thiết để năm 2015 có thể CPH đồng bộ các GENCO còn lại.
Đến thời điểm hiện tại thì EVN chưa quyết định lựa chọn phương án CPH cùng lúc hay thí điểm trước 1 GENCO, nhưng tôi nghĩ cái đích cuối cùng của các phương án vẫn là triển khai CPH thành công. Vì vậy, rất cần nỗ lực và quyết tâm của tất cả các đơn vị.