Có thể chưa tăng giá bán điện vì mục tiêu lạm phát thấp?

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, với việc giá than bán cho điện tăng, ngành Điện đang phải rà soát tính toán khả năng có hay không đề nghị điều chỉnh giá bán điện. Nếu ngành Điện có đề nghị thì các bộ sẽ xem xét cụ thể, cẩn trọng trước khi trình Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng - Ảnh: H.Hiếu

PV: Thưa bộ trưởng, Bộ Công Thương vừa đánh giá về tình hình cung ứng điện 4 tháng đầu năm và dự báo việc cung ứng điện tháng 5, tháng 6. Theo đó, tình hình cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia các tháng 5, 6/2013 có thể gặp phải một số yếu tố bất lợi như: Nhu cầu tiêu thụ điện tăng, tình hình thuỷ văn các hồ thuỷ điện diễn biến phức tạp theo chiều hướng xấu… điều này dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu điện sắp tới và khả năng giá bán điện tăng?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Về nguồn điện, trước hết, trên bình diện cả nước, tôi khẳng định chúng ta có thể đảm bảo cân đối được cung cầu và còn có cả dự phòng. Tuy nhiên, do thực tế phân bổ các nguồn điện hiện nay cũng như nhu cầu điện của từng khu vực thì ở một số địa phương phía Nam vào thời kỳ cao điểm mùa khô có thể có khó khăn do nguồn điện tại chỗ chưa đáp ứng đủ, phải chuyển tải từ miền Bắc và Trung vào qua đường dây 500 kV mà công suất chuyển tải của hệ thống này cũng có hạn.

Trong trường hợp này, ngành Điện đã chuẩn bị huy động thêm các nhà máy chạy dầu để bù đắp. Chúng ta đang tập trung đầu tư các cơ sở phát điện chạy than ở miền Nam như Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu để khắc phục cơ bản sự bấp cập này trong một vài năm tới.

Còn việc điều chỉnh giá bán điện, Bộ đã giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát tính toán lại đầy đủ chi phí giá thành của năm trước để làm cơ sở cho tính toán giá thành năm sau, đảm bảo tính đúng, tính đủ và làm cơ sở cho việc xác định các chỉ tiêu kinh tế. Cũng với tinh thần như vậy, nếu sau một khoảng thời gian ba tháng, có sự biến động chi phí đầu vào, ngành Điện phải báo cáo cụ thể, liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ xem xét kiểm tra.

Nếu thấy đủ cơ sở trình Thủ tướng xem xét quyết định điều chỉnh. Tất nhiên phải hiểu điều chỉnh giá bán điện ở đấy bao gồm có thể cả giảm giá nữa chứ, đâu chỉ có một chiều tăng giá. Khi chúng ta đã có giá điện theo cơ chế thị trường, lúc đó không loại trừ trong một khoảng thời gian do chi phí đầu vào giảm, ngành Điện cũng phải điều chỉnh giảm, tương tự cơ chế điều chỉnh xăng dầu hiện nay.

PV: Bộ đã giao EVN rà soát, vậy có đặt ra một thời hạn cụ thể nào EVN phải thực hiện xong việc rà soát để báo cáo bộ không?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Việc rà soát này là rà soát hàng năm. Như năm 2011 đã có báo cáo và có kiểm tra. Đối với năm 2012 thì tháng 6 này EVN phải nộp báo cáo.

Tăng giá than bán cho điện sẽ gây áp lực lên giá điện, vì than là đầu vào quan trọng của các nhà máy nhiệt điện - Ảnh: H.Hiếu

PV: Quyết định 24 của Thủ tướng về điều chỉnh giá bán điện cho phép tối thiểu 3 tháng một lần được điều chỉnh nếu thông số đầu vào biến động, có nghĩa là việc rà soát chi phí diễn ra thường xuyên để cứ 3 tháng là có số liệu, vậy tại sao ngay từ bây giờ Bộ đã giao EVN rà soát mà đến cuối năm mới báo cáo?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Đối với rà soát vừa qua, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN rà soát hai việc: Một là rà soát năm 2012 và hai là rà soát sáu tháng đầu năm 2013. Rà soát 2012 thì quý bốn này bộ sẽ công bố. Còn rà soát sáu tháng 2013 thì EVN phải khẩn trương báo cáo.

PV: Trong tình hình khó khăn này thì từ nay đến cuối năm sẽ không có chuyện tăng giá điện? Nhưng vừa qua tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, đại diện của Bộ (Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực) cũng nói đã giao và đang chờ EVN rà soát vì giá than bán cho điện tăng từ tháng 4, điều này sẽ gây áp lực lớn lên giá điện, Bộ trưởng có thể nói rõ hơn áp lực ở mức độ nào?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tất nhiên việc tăng giá than bán cho điện sẽ gây áp lực lên giá điện, vì than là đầu vào quan trọng của ngành Điện. Vì vậy, để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của việc tăng giá than lên giá điện thì ngành Điện phải tính toán linh hoạt để giảm tối thiểu tỉ trọng nhiệt điện than thông qua tăng cường điều độ, huy động các nguồn điện giá thấp, điều hòa phụ tải.

Hiện nay đã giao cho EVN tính toán. Có điều tính toán là việc của EVN, còn tăng hay không còn tùy thuộc điều hành của cơ quan có thẩm quyền. Khi xem xét việc này, Chính phủ và các bộ còn phải cân nhắc. Dù thế nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch. Việc điều chỉnh đúng là phụ thuộc vào thông số đầu vào song nếu ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất kinh doanh thì sẽ phải rất thận trọng.

Pv: Tức là có thể hiểu, trong tình hình khó khăn này thì từ nay đến cuối năm sẽ không có chuyện tăng giá điện?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Đứng trước việc tăng chi phí đầu vào của một số yếu tố, trong đó có giá than ngành Điện đang phải rà soát tính toán khả năng có hay không đề nghị điều chỉnh giá điện. Nếu ngành Điện có đề nghị thì các bộ sẽ xem xét cụ thể, tính đến tất cả các yếu tố một cách thận trọng trước khi trình Chính phủ, nhất là trong bối cảnh năm nay tình hình kinh tế cả nước cũng như của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, chúng ta phải thực hiện mục tiêu lạm phát thấp hơn và tăng trưởng phải cao hơn năm 2012, thực hiện tốt an sinh xã hội, giảm khó khăn trong cuộc sống của nhân dân.


  • 23/05/2013 09:19
  • Theo Sài Gòn Tiếp Thị
  • 2678


Gửi nhận xét