Công nghệ sửa chữa đường dây bằng ghế treo từ máy bay lên thẳng

Thợ đường dây bang California (Mỹ) thường gặp trở ngại trong thi công do các qui định về môi trường liên quan đến đất đai và động vật hoang dã. Thợ đường dây phải thận trọng để không ảnh hưởng tới thiên nhiên và môi trường sống các loài, từ cỏ bản địa, cây cơm cháy, tới ếch, kỳ nhông, rùa.

Hầu như trong mọi công việc luôn có nhà bảo vệ môi trường đi kèm thợ đường dây của Cục Điện lực miền Tây (Western Area Power Administration) để kiểm tra tại chỗ và đánh dấu tuyến đường chấp nhận được dành cho thiết bị nặng. Cho đến cách đây vài tháng, thợ đường dây vẫn phải sử dụng xe tải 36 tấn có gầu nâng cách điện để làm việc trên đường dây trên không, kiểm tra và bảo trì trụ điện, cột điện. Tuy nhiên, xe tải này thường để lại vết lún trên mặt đất, và không thể sử dụng khi trời mưa vì có thể bị sa lầy.

Cục Điện lực miền Tây mới có chương trình sử dụng máy bay lên thẳng nhờ đó thợ đường dây có thể thao tác trên cao, không còn phải chạm vào mặt đất tại các khu vực nhạy cảm về môi trường. Trước khi có chương trình này, để đấu nối giữa khoảng cột đường dây trên không, thợ đường dây sử dụng máy nâng. Họ đưa dây tới trụ điện trong quá trình kéo, ghìm dây rồi sau đó đấu nối trên trụ điện.

Hợp lý hóa hoạt động máy bay lên thẳng

Đầu tháng 5/2011, Cục Điện lực miền Tây đã đặt công ty Air Rescue Systems chế tạo chiếc ghế trên không (Air Reach Seat - ARS). Hệ thống này cho phép một hoặc hai thợ đường dây thực hiện công việc trong khi đang ngồi, đứng hay ngả ra ngoài một góc đến 90o.

Máy bay lên thẳng treo lơ lửng trong khi thợ đường dây Cục Điện lực miền Tây ngồi trong ghế ARS thao tác trên không.

Để sử dụng thiết bị này, thợ đường dây nối ARS với máy bay lên thẳng bằng một sợi dây dài. Máy bay lên thẳng sau đó sẽ bay đến nơi thi công, treo lơ lửng trên không trong khi thợ đường dây tiến hành công việc. Để thêm thoải mái và tăng độ an toàn, công ty Air Rescue Systems trang bị thêm chỗ để chân cho ARS, nhờ đó người sử dụng ghế có thể đứng lên khỏi ghế và thực hiện công việc thuận tiện hơn. Hai dây đai treo bên dưới ghế ngồi cùng với thanh ngang để thợ đường dây có thể đặt chân lên trên. Điều này cho phép thợ đường dây tiếp xúc với công việc đang thực hiện một cách liên lục, trong khi đó hệ thống nguyên thủy chỉ cho phép một tư thế ngồi hạn chế.

Để đảm bảo an toàn tối đa, thợ đường dây choàng bộ dây treo an toàn do hãng Yates Gear chế tạo và đeo hệ thống chống rơi, chiều dài 6 ft (1,8 m) phù hợp với tiêu chuẩn OSHA (Cơ quan An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp) và ANSI (Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Mỹ Z359), hoặc hệ thống ngắn hơn, điều chỉnh được để họ sử dụng khi đứng hoặc ngả ra khỏi ARS.

Ứng dụng hiện tại và tương lai

Thợ đường dây Cục Điện lực miền Tây đã sử dụng ghế trên không (ARS) trong một dự án kéo dài 9 ngày, theo đó họ kéo 23 km cáp quang và thực hiện đấu nối giữa khoảng cột. Các thợ đường dây lần lượt sử dụng ghế và nhận thấy rằng thực hiện đấu nối trong khi vẫn choàng bộ dây treo dây an toàn thì khó khăn hơn nhiều. Sử dụng ghế, họ tiết kiệm được năm phút cho mỗi mối nối giữa khoảng cột, tuy nhiên lợi thế quan trọng nhất là giảm được cực nhọc cho thợ đường dây.

Thợ đường dây thực hiện mối nối giữa khoảng cột khi không có ghế ARS

Theo kế hoạch trong tương lai, thợ đường dây sẽ sử dụng ARS để bảo trì cột điện, trụ điện và kéo dây các truyến đường dây trên không.

Cục Điện lực miền Tây có địa bàn phục vụ trải dài từ sông Mississippi tới Thái Bình Dương, sử dụng khoảng 400 đến 500 thợ đường dây. Chỉ có 13 thợ đường dây thuộc bang California làm việc trong bộ phận thi công dùng máy bay lên thẳng. Cho đến nay, ngoài dự án cáp quang nói trên, đội thi công dùng máy bay lên thẳng đã tiến hành thay thế vòng cách trên chùm dây dẫn, kiểm tra các quả bóng đánh dấu đoạn đường dây trên không vượt sông Redding, bang California.

Thợ đường dây tỏ ra thiện cảm với ghế trên không (ARS) vì ghế giúp tiếp cận dễ dàng và nâng cao độ an toàn. Cùng với việc Cục Điện lực miền Tây mở rộng sử dụng máy bay lên thẳng trong thi công, thợ đường dây lên kế hoạch sử dụng ghế ARS để tăng năng suất và giảm thiểu tác động lên mặt đất bên dưới.
 


  • 24/02/2012 02:17
  • Theo QLNĐ
  • 4488


Gửi nhận xét