Công ty Truyền tải điện 3: Hội thảo kỹ thuật về sét và ảnh hưởng sét đối với đường dây truyền tải

Với mục đích trao đổi, đúc kết kinh nghiệm từ các sự cố có nguyên nhân do sét gây ra từ đó có giải pháp phù hợp trong công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải, Công ty Truyền tải điện 3 đã tổ chức thành công Hội thảo chuyên đề: "Sét và ảnh hưởng sét đối với đường dây truyền tải khu vực Công ty Truyền tải điện 3 quản lý".

Khu vực Công ty Truyền tải điện 3 quản lý thuộc vùng giông sét với số ngày giông trung bình trong năm từ 40 đến 50 ngày, số ngày giông cực đại từ 100 đến 120 ngày trong một năm; số giờ giông khu vực Cao nguyên miền Trung khoảng 220h/năm, khu vực ven biển miền Trung khoảng 95h/năm; tháng giông cực đại là vào tháng 5 và tháng 8 hàng năm.

Một số vùng có địa hình chuyển tiếp giữa rừng núi trung du và đồng bằng với số giờ giông sét tăng lên đáng kể, đặc biệt là: khu vực đèo Mang Giang, đèo An Khê tỉnh Bình Định; đèo Cả, đèo Rọ Tượng, đèo Phượng Hoàng tỉnh Khánh Hoà; khu vực rừng núi Chưpah, Sê san, Iaphang,... tỉnh Gia Lai; đèo dốc cao khu vực EaHleo, Krôngbuk tỉnh ĐăkLăk; khu vực KrôngNô, đèo 52 tỉnh ĐăkNông; khu vực Sông Sắt, Bác Á tỉnh Ninh Thuận; khu vực Đại Ninh, Di Linh, rừng Cát Tiên, ... tỉnh Lâm Đồng.

Tại Hội thảo, qua thực tế công tác phòng chống sét trên lưới điện truyền tải, các đơn vị đã trình bày tham luận về kinh nghiệm cũng như phân tích nguyên nhân và kết quả nghiên cứu của mình đối với việc chống sét đường dây trong công tác quản lý vận hành, như: "Ưu, nhược điểm của các loại dây chống sét nối đất và biện pháp xử lý hệ thống tiếp địa" của Truyền tải điện Bình Định - Quảng Ngãi; "Góc bảo vệ của dây chống sét đối với các sự cố trên lưới do giông sét gây ra" của Truyền tải điện ĐăkLăk; "Trị số tiếp đất của tiếp địa, khảo sát điện trở suất của đất" của Truyền tải điện Ninh Thuận - Cam Ranh; Báo cáo tổng hợp các sự cố do sét, phân tích nguyên nhân, các giải pháp hạn chế sự cố do sét của Phòng kỹ thuật...

Hội thảo phòng chống sét

Sau một ngày làm việc, trao đổi cởi mở, Hội thảo đã tổng hợp được một số giải pháp hữu hiệu đối với công tác giảm thiểu sự cố do sét gây ra trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải như:

- Bổ sung sừng phóng điện cho các công trình đang vận hành không có mỏ phóng sét.

- Ưu tiên bổ sung tiếp địa cọc hoặc tia ngắn.

- Thử nghiệm sử dựng tiếp địa công nghệ mới.

- Kéo dài xà chống sét tại các vị trí xung yếu để giảm góc bảo vệ chống sét.

- Chuẩn hoá việc đo điện trở.

Hội thảo kỹ thuật chuyên đề đã và đang tạo ra một môi trường sinh hoạt bổ ích, là nơi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân quản lý vận hành lưới điện PTC3, góp phần không nhỏ trong công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải ổn định, an toàn, liên tục, đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của cả nước nói chung và khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên nói riêng.

Sét là một hiện tượng tự nhiên. Mật độ giông sét, thời gian phóng điện, biên độ dốc của sét không thể dự đoán trước được nên việc nghiên cứu bảo vệ chống sét là hết sức quan trọng, đặc biệt là trong ngành Điện.

Đường dây truyền tải kéo dài dọc theo chiều dài đất nước, đi qua nhiều khu vực có địa hình phức tạp khác nhau nên thường bị sét đánh và chịu tác động của quá điện áp khí quyển, gây sự cố gián đoạn cung cấp điện. Do vậy, cẩn phải có những biện pháp hạn chế tác hại do sét gây ra, đặc biệt là tại những đoạn gần trạm biến áp, nhằm bảo vệ an toàn cho thiết bị trong trạm.

 


  • 05/11/2012 09:23
  • Trần Việt Hùng
  • 5893


Gửi nhận xét