Thứ trưởng Bộ Công Thương - Lê Dương Quang
|
Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, ông có ý kiến như thế nào về việc EVN đã chọn chủ đề cho năm 2014 là "Điện cho miền Nam"?
Thứ trưởng Lê Dương Quang: Việc EVN chọn một trong 2 chủ đề cho năm 2014 là "Điện cho miền Nam" theo tôi hoàn toàn hợp lý.
Thứ nhất, miền Nam hiện nay và trong tương lai gần vẫn là vùng kinh tế động lực có sự phát triển năng động, nhu cầu điện năng cũng tăng nhanh hơn bình quân cả nước; trong khi đó khả năng phát triển các nguồn điện mới tại chỗ có những hạn chế nhất định (ít nguồn thủy điện lớn, việc cung cấp than, khí còn nhiều vấn đề phải giải quyết). Theo dự báo, trong những năm 2018-2020, việc đảm bảo điện cho miền Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải chủ động và tích cực chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Thứ hai, trước năm 2013, hệ thống điện của chúng ta hầu như không có dự phòng và ngành điện phải tập trung lo phát triển các dự án nguồn. Hiện nay, với sự nỗ lực to lớn của cả ngành, chúng ta đã có dự phòng công suất nguồn ở mức gần 30%. Tuy nhiên, do nguồn điện phân bố tập trung cao ở miền Bắc và miền Trung nên việc truyền tải vào Nam cần phải xử lý một loạt vấn đề như rà soát, điều chỉnh quy hoạch, thu xếp vốn, di dân giải phóng mặt bằng cũng cần có thời gian.
Việc chọn chủ đề "Điện cho miền Nam" không chỉ là nhiệm vụ của năm 2014 mà còn có ý nghĩa tạo tiền đề cho những năm sau, nhằm đảm bảo cho EVN thực hiện tốt vai trò chủ đạo trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao phó - đó là đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
PV: Với khối lượng công việc lớn như vậy,, việc đảm bảo "Điện cho miền Nam" theo ông sẽ phải thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả?
Thứ trưởng Lê Dương Quang: Đối với nhiệm vụ đảm bảo điện cho miền Nam, EVN có vai trò đặc biệt quan trọng, vì EVN là 1 trong 3 Tập đoàn trụ cột của ngành Năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng, đồng thời cũng là đơn vị quản lý và vận hành toàn bộ hệ thống truyền tải - phân phối cùng nhiều nhà máy điện. Tuy nhiên, tham gia thực hiện nhiệm vụ này còn có trách nhiệm của các Tập đoàn khác thuộc Bộ Công Thương, như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (chủ đầu tư một loạt dự án nguồn điện như Long Phú 1, Sông Hậu 1... và đảm bảo cung cấp khí cho phát điện), Vinacomin (cung cấp than), các dự án điện BOT... Nói cách khác, cấp điện cho miền Nam là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, cần có sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của Chính phủ, Bộ Công Thương và các ban ngành, cùng rất nhiều đơn vị liên quan, chứ không thể là "chuyện riêng" của EVN.
PV: Ông có thể nói cụ thể hơn, với vai trò là Bộ chủ quản của EVN, Bộ Công thương sẽ hỗ trợ, "tiếp sức" cho EVN như thế nào để mục tiêu này được hoàn thành?
Thứ trưởng Lê Dương Quang: Trách nhiệm của Bộ Công Thương là phải chỉ đạo tổng thể việc phát triển nguồn và lưới phù hợp với quy hoạch, phối hợp với các bộ ngành và địa phương hỗ trợ các chủ đầu tư, xử lý kịp thời mọi khó khăn, vướng mắc; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế - chính sách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án. Riêng đối với các dự án BOT, Bộ sẽ phải đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các văn kiện liên quan, giải quyết nhanh các thủ tục, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án đúng tiến độ cam kết.
Ngoài ra, vai trò của chính quyền địa phương - nhất là các địa phương có công trình điện - cũng hết sức quan trọng, nhất là trong công tác di dân, giải phóng mặt bằng các dự án điện, cùng như việc phối hợp bảo vệ an toàn các công trình điện. Đặc biệt là tuyên truyền, vận động nhân dân góp sức cùng ngành điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Tóm lại, Bộ Công Thương có vai trò làm đầu mối và EVN là lực lượng chủ lực. Bộ Công Thương sẽ đôn đốc các đơn vị liên quan vào cuộc cùng EVN, đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất cho EVN hoàn thành được chủ đề của năm 2014 - "Điện cho miền Nam" để tạo tiền đề cho việc đảm bảo an ninh cung cấp điện trong những năm tiếp theo.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo thứ trưởng Lê Dương Quang, Chính phủ và Bộ Công Thương đã và đang đẩy mạnh các giải pháp nhằm đảm bảo Điện cho miền Nam những năm tới, cụ thể:
- Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, giám sát việc thực hiện QĐ 2414/QĐ-TTg của Thủ tướng CP; đảm bảo tiến độ các dự án cấp bách và phấn đấu rút ngắn tiến độ nếu điều kiện cho phép.
- Phối hợp chặt chẽ giữa các chủ đầu tư dự án với cơ quan quản lý nhà nước trong việc tìm kiếm, thu xếp nguồn vốn; chú trọng tận dụng mọi kênh huy động vốn có thể.
- Tiếp tục rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch điện để đảm bảo quy hoạch được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả và phục vụ tốt nhất cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
- Thực hiện tốt việc di dân - GPMB để kịp thời bàn giao mặt bằng cho các dự án cấp bách.
- Rà soát, hiệu chỉnh sơ đồ vận hành toàn hệ thống điện để đảm bảo có được một quy trình quản lý - vận hành hệ thống hiệu quả nhất.
- Xây dựng các phương án/kịch bản để chủ động đối phó với các loại sự cố, các tình huống phát sinh nhằm đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định.
- Đẩy mạnh cuộc vận động đi đôi với áp dụng mọi biện pháp kỹ thuật-quản lý thích hợp về tiết kiệm điện; chú trọng triển khai Đề án lưới điện thông minh. Phối hợp với các địa phương sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước của các hồ thủy điện.
Để đảm bảo "Điện cho miền nam" trong năm 2014 và những năm tiếp theo, EVN và các đơn vị sẽ phải tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt quyết định 2414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành đúng tiến độ một loạt dự án quan trọng như Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, các công trình lưới điện truyền tải đấu nối với các trung tâm điện lực và các dự án truyền tải phân phối cấp bách: Trong năm 2014 phải hoàn thành và đưa vào vận hành 192 công trình lưới điện 110 – 500 kV (trong đó có các dự án hết sức quan trọng như đường dây 500 kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, Phú Lâm - Long An, trạm 500 kV Cầu Bông...), khởi công 68 công trình lưới điện 220-500 kV...
Nếu chỉ tính các dự án truyền tải điện đang gấp rút hoàn thành trong năm nay, nguồn vốn EVN NPT cần đã lên đến 16.000 tỷ đồng. Đặc biệt, dự án nguồn điện cấp bách của miền Nam như Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 có tổng mức đầu tư lên tới 36.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó là các dự án "tỷ đô, triệu đô" khác cũng vì mục đích "Điện cho miền Nam" như: Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, Thủy điện Thác Mơ mở rộng, Đa Nhim mở rộng... "Nếu giải được bài toán vốn cho những dự án điện trọng điểm, các nút thắt trong câu chuyện điện cho miền Nam cũng sẽ dần được tháo gỡ, mục tiêu của EVN sẽ được hiện thực hóa một cách dễ dàng hơn. Các đơn vị cũng sẽ không phải cố gắng quá sức để hoàn thành nhiệm vụ." - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - ông Trần Viết Ngãi nhận định.
|