Phối cảnh nhà máy điện gió Bạc Liêu. Ảnh: DDDN
|
Doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên được VDB và US EXIMBANK tài trợ vốn là Công ty TNHH Xây dựng, Thương mại, Du lịch Công lý - Chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện gió tại tỉnh Bạc Liêu.
Ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Công lý cho biết, hiện Dự án đang triển khai giai đoạn I, sử dụng vốn vay trong nước của VDB (khoảng 4.500 tỷ đồng). Việc tiếp cận vốn từ khoản tín dụng cam kết 1 tỷ USD sẽ đảm bảo cho Công ty hoàn thành giai đoạn I đúng tiến độ, đạt công suất đề ra (100 MW). Đồng thời, số vốn này cũng đảm bảo để Công ty thực hiện xong Dự án (triển khai giai đoạn II, từ năm 2012 đến đầu năm 2014), tổng công suất đạt 400 MW. Đây là nhà máy điện gió thứ 2 của Việt Nam, sau nhà máy điện gió công suất 120 MW ở Bình Thuận.
Về lãi suất vốn vay, hiện US EXIMBANK đang đự định áp lãi suất cho vay 5,4%/năm (với USD) cho khoản vay này. Tuy nhiên, Công ty Công lý đang đàm phán lại và có khả năng được hưởng mức lãi suất thấp hơn. Điều kiện để được hưởng khoản tín dụng ưu đãi này là Công ty phải sử dụng thiết bị của Hãng General Electric (GE) của Mỹ.
Được biết, một phần của khoản tín dụng trên đã được một số ngân hàng như Citibank, JP Morgan đồng ý cho VDB vay để VDB cho Công ty Công lý vay lại, dưới sự bảo lãnh của US EXIMBANK. Dự kiến, đầu tháng 11/2011, cột tuốc bin điện gió đầu tiên của Dự án sẽ được khánh thành. Sau lễ khánh thành, Công ty sẽ xúc tiến ngay việc đàm phán hợp đồng thương mại với GE về việc cung cấp thiết bị cho Dự án.
Ông Võ Văn Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, tỉnh đánh giá cao tầm quan trọng và quan tâm tới dự án điện gió này, vì Dự án sẽ góp phần giúp vùng Đồng bằng sông Cửu Long thoát khỏi tình trạng thiết điện trầm trọng, tăng thu ngân sách cho địa phương, tạo việc làm...
Đại diện US EXIMBANK khẳng định, trong tương lai sẽ tiếp tục tài trợ cho lĩnh vực điện gió tại Việt Nam. "Khoản tài trợ 1 tỷ USD này mang lại lợi ích cho cả hai bên. Việt Nam có thể gia tăng lợi ích trong phát triển năng lượng tái tạo, tạo công ăn việc làm cho người dân. Còn Mỹ có thể sản xuất tuốc bin điện gió và các dịch vụ liên quan. "Chúng tôi nhìn thấy triển vọng hợp tác với Việt Nam trong những năm tới", ông Raymond J.Ellis, Phó chủ tịch US EXIMBANK nói.
Được biết, tổng các khoản duyệt chi tài trợ của Ngân hàng này trong năm 2011 là 32,4 tỷ USD, trong đó có 890 triệu USD cho các dự án năng lượng tái tạo. Chính phủ Mỹ khuyến khích US EXIMBANK tăng tỷ lệ tài trợ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo lên 10% của tổng mức duyệt chi mỗi năm. Vì vậy, thời gian tới, US EXIMBANK sẽ đẩy mạnh đầu tư lĩnh vực này - trong đó Việt Nam là một điểm nằm trong tầm ngắm.
Không chỉ DN Mỹ, DN nhiều nước khác cũng đang nhắm vào lĩnh vực điện gió tại Việt Nam. Hiện DN lớn về điện gió của Đan Mạch như Vestas, Danfoss... đang tìm hiểu môi trường đầu tư của Việt Nam.
Ông Ditlev Engel, Chủ tịch và Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Vestas (Đan Mạch), một trong những nhà sản xuất tuốc bin điện gió lớn nhất thế giới, hiện đang cung cấp tuốc bin gió cho Nhà máy Điện gió Phú Quý (Bình Thuận) nhận xét, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển điện gió, song chính sách của Việt Nam chưa hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là chính sách về giá điện. "Chúng tôi sẵn sàng thảo luận với Chính phủ về các chính sách để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển năng lượn gió", ông Ditlev Engel nói.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc GE Việt Nam, đơn vị cung cấp thiết bị cho dự án điện gió Bạc Liêu, cũng cho rằng, Chính phủ Mỹ khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực điện gió ở Việt Nam, song giá điện gió ở Việt Nam quá thấp đang là trở ngại lớn.