Khắc phục sự cố lưới điện sau lũ lụt trên địa bàn huyện A Lưới
|
Huyện có 8 dân tộc anh em sinh sống với 12 xã biên giới giáp huyện Sá Muội (tỉnh Salavan) và huyện Kà Lừm (tỉnh Sekong), nước Lào. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đến nay 21/21 xã và thị trấn trong huyện đã có điện lưới quốc gia và trên 98,12% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, chủ yếu phục vụ sinh hoạt.
Địa bàn xã Hồng Thủy là một trong 12 xã vùng núi biên giới khó khăn, cách trung tâm huyện A Lưới 35km. Xã được đầu tư lưới điện từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) đầu tư cho Dự án Năng lượng nông thôn RE I. Với tổng mức đầu tư 3,52 tỷ đồng để đầu tư 9,7 km đường dây trung thế 22kV, 6 trạm biến áp và 7,1 km đường dây 0,4kV được đóng điện từ năm 2003. Suất đầu tư lưới điện vào thời điểm đó là 21,6 triệu đồng/hộ. Hiện nay, tất cả các thôn của xã đều được sử dụng điện lưới quốc gia.
Ông Hồ Bá Bình, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho biết, với 683 hộ dân, đa số là đồng bào dân tộc Pa Cô chiếm 96,48%, còn lại là dân tộc Kinh, Mường, Tày…., xã lại có địa hình khá phức tạp, thường bị chia cắt, cô lập, khó tiếp cận khi có lũ lụt. Thôn 7 là thôn xa nhất của xã cách trung tâm xã 5km nhưng phải đi bộ vì không có đường giao thông. Tuy vậy, thôn đã có điện lưới quốc gia, bà con đã mua máy xát gạo, nghiền ngô phục vụ chăn nuôi, giải phóng sức lao động. Mỗi tối, trẻ em có điện sáng để học bài. Chăn nuôi phát triển, có tiền gia đình đã mua sắm phương tiện đi lại, sửa sang nhà cửa, sử dụng nước sạch. Cũng từ khi có điện, các thôn bản trong xã đều có trường học với 100% học sinh trong độ tuổi đi học đều được đến trường.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn 15.310 hộ thuộc 196 thôn, bản tại 57 xã thuộc 6 huyện chưa có điện, thì riêng huyện A Lưới đã có 53 thôn, bản (chiếm tỷ lệ 27%) vì chưa có đường giao thông, người dân đang phải sử dụng đèn dầu theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Trong quá trình đưa điện về vùng sâu, vùng xa cho thấy, mặc dù việc đầu tư điện lưới đến các hộ dân vùng sâu, vùng xa không mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng lại mang hiệu quả xã hội rõ rệt, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội.
Tuy nhiên, với các công trình điện không phát huy hiệu quả kinh tế thì việc thu xếp vốn đầu tư lại càng gặp khó khăn. Mục tiêu của Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế từ 2011 - 2020 là phấn đấu đưa điện đến 100% các thôn, bản trên địa bàn toàn Tỉnh. Ngoài Dự án RD và ADB đã và đang triển khai với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, còn có Dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện với tổng mức đầu tư trên 170 tỷ đồng.
Do vậy, để thực hiện điện khí hóa nông thôn, ngành Điện rất cần sự chung tay giúp đỡ của các cấp, các ngành trong hoạt động ưu đãi vay vốn đầu tư, đặc biệt là ưu đãi về tài chính đối với những công trình cấp điện tại các xã vùng sâu, vùng xa. Một cơ chế phù hợp để mọi cư dân miền núi được hưởng thụ điện như miền xuôi là điều mà các ngành chức năng cần phải tính đến.