Tận dụng thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Việc tận dụng nguồn gió và nguồn sáng mặt trời tại huyện đảo Trường Sa được tích hợp trong hệ thống điện lai ghép dùng năng lượng gió và mặt trời (HPSS). Qua khảo sát bức xạ mặt trời tại Trường Sa cho thấy, tiềm năng năng lượng mặt trời có thể đạt hơn 1.950 kWh/m2/năm, tốc độ gió trung bình hàng năm ước 6,2m/s, tiềm năng năng lượng gió khoảng gần 2.700 kWh/m2/năm. Hai điều kiện này kết hợp lại có thể tạo ra năng lượng điện sạch cho đảo. Với HPSS, lượng điện cung cấp cho nhu cầu sử dụng lên đến 6,2 MWh/ngày, đồng thời dung lượng ắc quy nạp từ gió và mặt trời đảm bảo dự trữ năng lượng đủ cho 2 ngày tiếp theo khi không có ánh sáng mặt trời và gió.
Mặt khác, với hệ thống HPSS, cư dân và chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa có thể sử dụng điện năng đầy đủ mà không phải chuẩn bị nhiên liệu chạy máy phát điện được vận chuyển từ đất liền ra đảo, vừa khó khăn mỗi khi gặp thời tiết xấu làm gián đoạn vận chuyển, vừa đắt vì giá thành vận chuyển và giá dầu ngày càng tăng. Ước tính, sử dụng HPSS có thể tiết kiệm hơn 2.100 lít dầu diesel/ngày, lượng khí thải CO2 cũng giảm gần 2.300 tấn/năm, một con số không nhỏ gây hiệu ứng nhà kính.
Năng lượng điện gió và mặt trời giúp cuộc sống người dân huyện đảo Trường Sa được cải thiện nhiều.
|
Đến nay, hệ thống điện gió đã được lắp đặt trên 33 đảo san hô/750 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó HPSS được xây dựng trên 9 đảo nổi, 24 đảo chìm và 15 nhà giàn DK của khu vực quân sự. Cả hệ thống này bao gồm 20 trạm thu gió và ánh nắng mặt trời, 120 tua bin gió, hơn 4.000 tấm pin năng lượng mặt trời, hơn 4.500 bình ắc quy 12V/230Ah dùng để lưu điện, 320 bộ biến tần, 250 bộ sạc năng lượng mặt trời, 60 đèn pha dò tìm, hơn 1.000 đèn led chiếu sáng ngoài trời dùng năng lượng mặt trời và nhiều thiết bị để phục vụ cho việc tạo điện tận dùng nguồn lực thiên nhiên này. Hệ thống HPSS đã góp phần thúc đẩy triển kinh tế địa phương phát triển vì không còn thiếu điện.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Công ty Mặt trời Bách Khoa cho biết, Công ty đã tiến hành lắp đặt hệ thống HPSS nhằm cải thiện nhu cầu sử dụng điện cho cư dân sống trên quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, tải sử dụng điện trên đảo hiện nay đã tăng lên từ 3 – 8 lần tùy theo đảo với các thiết bị điện như tủ lạnh, quạt máy, nồi cơm điện, ấm điện, các thiết bị nghe nhìn… và cung cấp nguồn điện cho trạm viễn thông Viettel hoạt động liên tục 4 giờ/ngày.
Vì thế, trong tương lai gần, để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập và chiến đấu ngày càng cao của cư dân trên đảo, việc nâng cấp hệ thống để nâng công suất cung cấp điện là thực sự rất cần thiết. Mặt khác, HPSS không chỉ phát huy hiệu quả tại khu vực quần đảo, mà với khu vực đất liền có mật độ gió tốt, hệ thống sẽ cung cấp điện sinh hoạt cho người dân. Hơn nữa, lắp đặt hệ thống tại đất liền không mất nhiều chi phí cho các khâu đầu tư, bảo dưỡng, bảo trì.
Mang lại niềm vui cho người dân huyện đảo
Ngoài việc tiết kiệm chi phí do hạn chế sử dụng máy phát diesel, chi phí vận chuyển dầu ra đảo và những vướng mắc về năng lượng được tháo gỡ, hệ thống lai ghép điện gió và điện mặt trời đã làm thay đổi hẳn cuộc sống của những người dân trên đảo.
Bà Nguyễn Thị Chí, Chủ tịch Hội LHPN huyện đảo Trường Sa cho biết, hệ thống lai ghép điện gió và năng lượng điện mặt trời được đưa vào đảo từ cuối năm 2009 làm cho cuộc sống người dân trên đảo không quá cách biệt so với những người sống ở đất liền. Vào những ngày nắng và gió nhiều, người dân được sử dụng điện thoải mái mà không phải lo bị mất điện. Trước đây, người dân trên đảo chỉ được sử dụng điện 6 giờ mỗi ngày, vì điện được cấp từ máy phát điện chạy bằng dầu diesel, vừa đắt vừa vận chuyển khó khăn.
Anh Hồ Dương, một người dân sinh sống tại đảo Song Tử Tây cho biết thêm: Lúc mới ra đảo, chưa có điện gió và điện mặt trời, cuộc sống phụ thuộc vào lượng điện do máy phát điện chạy bằng dầu diesel cung cấp nên việc sử dụng điện rất hạn chế. Còn bây giờ, lúc nào cũng có điện, nhờ vậy, cuộc sống ở đảo cũng không khác biệt lớn so với lúc gia đình tôi ở Cam Ranh (Khánh Hòa).