Mỏi mòn chờ điện lưới
Sau bao năm chờ đợi, mong ngóng, giờ đây, nhìn những trụ điện sừng sững trên biển, bà con huyện đảo mới tin đó là sự thật. Bà Nguyễn Thị Xuân Mai (ấp 1, xã đảo Hòn Tre) chủ nhà trọ Thảo Vy chia sẻ: “Thấy trong đất liền lưới điện ổn định mà thèm quá. Bà con trong xã mong muốn có điện lưới quốc gia từ lâu rồi. Có điện lưới quốc gia vừa ổn định, giá điện lại ngang bằng với giá điện trong đất liền là điều kiện thuận lợi để gia đình tiếp tục kinh doanh”. Trước kia, mỗi tháng gia đình bà Mai phải trả 10-12 triệu tiền điện/tháng cho 7 phòng trọ, nhưng giờ đây, với giá điện như trong đất liền, gia đình bà sẽ chỉ phải trả khoảng 1,3-1,5 triệu đồng/tháng.
Gia đình bà Võ Thị Lệ, chủ cơ sở ăn uống ở ấp 3 thì còn vui mừng hơn, bởi nhà ở cuối nguồn, trước đây điện thường rất yếu, mỗi khi chạy máy làm đá, thì tủ lạnh phải ngắt, bóng điện phải tắt… Vì vậy, bà mong mỏi từng ngày điện lưới quốc gia ra đảo, để gia đình đầu tư mở rộng kinh doanh.
Ông Phạm Thành Tuấn – Phó giám đốc PC Kiên Giang cho biết: Hiện tại, 100% số hộ dân xã Hòn Tre sử dụng điện diesel với 2 tổ máy công suất 800 kW cấp điện được 24/24h tại đảo, nhưng nguồn điện không ổn định. Tại các xã đảo, người dân chủ yếu dùng điện tại chỗ, tự phát.
Chỉ tay về phía những công nhân đang thi công tuyến đường dây trên không đưa điện ra đảo Kiên Hải, ông Tuấn cho biết: “Công ty đang triển khai Dự án xây dựng đường dây trung áp 3 pha 22 kV kéo điện lưới quốc gia tới Trung tâm hành chính huyện Kiên Hải. Ngoài ra, Công ty còn cải tạo và xây dựng mới đường dây trung, hạ thế, đồng thời xây mới và nâng cấp các trạm biến áp. Tổng mức đầu tư cho các công trình này lên tới trên 82 tỷ đồng và dự kiến sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán Ất Mùi, cấp điện ổn định cho người dân trên đảo vui Tết, đón Xuân, đáp ứng những tháng ngày mong mỏi có điện lưới quốc gia của bà con nơi đây”.
Một góc huyện đảo Kiên Hải. Ảnh: X.Tiến
|
Tạo sức bật cho huyện đảo
Ông Huỳnh Thanh Bình – Phó chủ tịch UBND huyện đảo Kiên Hải cho biết: Trước đây, giá thành một kWh điện tại đảo lên tới 8.319 đồng. Từ ngày 01/6/2014, thực hiện chính sách an sinh xã hội, đảm bảo sự công bằng trong sử dụng điện, các hộ dân ở huyện đảo Kiên Hải cũng được mua điện với giá bằng giá trên đất liền (Quyết định số 4887/QĐ-BCT của Bộ Công Thương). Như vậy, nếu không có điện lưới quốc gia, sẽ phát sinh thêm số tiền bù chênh lệch giữa giá thành sản xuất và giá bán điện cho các hộ trên đảo mà ngân sách tỉnh Kiên Giang phải chi trả tương đối lớn, gần 20 tỷ đồng/năm. Chính vì thế, việc đưa điện lưới quốc gia ra đảo sẽ giảm gánh nặng ngân sách cho tỉnh.
Năm 2006, khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang (bao gồm cả huyện Kiên Hải) đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Kiên Hải có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản… Tuy nhiên, những tiềm năng này hiện vẫn chưa được đánh thức. “Chỉ khi nào có điện lưới quốc gia thì huyện đảo mới phát huy hết được tiềm năng vốn có để cất cánh trở thành một huyện phát triển theo hướng toàn diện”, ông Bình chia sẻ.
Hiện, huyện Kiên Hải đang huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như: Trung tâm hành chính huyện, bến tàu Nam Du, đường vòng quanh đảo gắn với xây dựng nông thôn mới, giao thông nông thôn, xây dựng và đưa vào sử dụng các hồ chứa nước ngọt… Đặc biệt là công trình đưa điện lưới quốc gia ra Hòn Tre. Khi có điện lưới quốc gia, Huyện sẽ tập trung kêu gọi đầu tư phát triển dịch vụ du lịch với các tour du lịch độc đáo như, tham quan quanh đảo, leo núi, câu cá, phát triển hình thức du lịch tín ngưỡng dân gian, thăm Dinh Cá Ông, đồng thời quy hoạch Khu Đô thị mới và khu dịch vụ hậu cần nghề cá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ.
“Huyện cũng đang phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại quảng bá hình ảnh, tiềm năng, giới thiệu những chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư… Hiện nay, khu du lịch sinh thái Hòn Tre, quy mô 40 ha với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng, khu du lịch Bãi Chén và bãi xử lý rác thải Hòn Tre cũng đang được xúc tiến kêu gọi đầu tư và đang chờ điện lưới”, ông Bình cho biết.
Ông Phạm Thành Tuấn – Phó giám đốc PC Kiên Giang chia sẻ thêm: “Hiện tại chúng tôi đang đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình, đảm bảo Dự án hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Việc có điện lưới quốc gia không chỉ góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân, mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc an ninh quốc phòng vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc”.
Huyện đảo Kiên Hải:
- Nằm trong khu vực biển phía Tây Nam Việt Nam,
- Cách thành phố Rạch Giá khoảng 30 km,
- Gồm 23 đảo lớn nhỏ, diện tích khoảng 30 km2,
- Dân số gần 22.000 người.
- Có 4 xã là Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du, với Trung tâm hành chính tại xã Hòn Tre.
4 mục tiêu PC Kiên Giang đưa điện ra đảo Hòn Tre
- Tăng cường và cung cấp nguồn điện ổn định từ lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện hiện tại và phát triển trong tương lai ở đảo Hòn Tre.
- Cải thiện điều kiện sinh hoạt của người dân trên đảo, kích thích đầu tư, tạo điều kiện phát triển kinh tế − xã hội cho xã Hòn Tre nói riêng và huyện Kiên Hải nói chung.
- Cung cấp điện ổn định, góp phần ổn định xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, xây dựng huyện đảo vững mạnh, phát triển.
- Giảm chi phí cho tỉnh Kiên Giang vì không sử dụng máy phát Diesel.
Khối lượng hạng mục Dự án đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Kiên Hải
- Thi công 12,9 km đường dây trung áp 22 kV kéo điện lưới quốc gia tới Trung tâm hành chính huyện Kiên Hải.
- Cải tạo và xây mới 2,6 km đường dây trung thế cấp điện cho Trung tâm hành chính huyện Kiên Hải.
- Cải tạo và phát triển lưới điện các xã trên huyện với khối lượng 9,5 km đường dây trung thế; 8,7 km đường dây hạ thế; 11 trạm biến áp với tổng dung lượng 1.150 kVA.
|