Cô Tô nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, cách thị trấn huyện Vân Đồn 50 hải lý và là một trong những huyện đảo lớn của Việt Nam.
Ước mơ của nghìn hộ dân
Ông Nguyễn Văn Vịnh, ngụ tại khu phố 3 thị trấn Cô Tô, đang hì hục san đất trên diện tích hơn 50m2, nơi dự kiến sẽ xây dựng cửa hàng kinh doanh hải sản tươi sống. Đưa tay quyệt những giọt mồ hôi trên mặt, ông vui vẻ chia sẻ: “Sau khi xây dựng xong cửa hàng, tôi dự tính mua tủ ướp lạnh công suất lớn, làm những bể kính để thả hải sản tươi sống. Trước đây, tôi cũng đã tính làm, nhưng do điện trên này chạy máy phát nên giá điện còn cao, dân du lịch chưa nhiều, nên chưa đầu tư. Giờ biết sắp có điện lưới quốc gia trên đảo, chắc chắc giá bán điện sẽ rẻ hơn, nên tôi quyết định đầu tư”.
Không giống như ông Vịnh, chị Nguyễn Thị Vui cũng sống tại khu phố 3 thị trấn Cô Tô lại có ý định kinh doanh theo hướng khác.
Chị Vui khoe: “Tới đây, khi có điện lưới quốc gia, cuộc sống của người dân trên đảo sẽ thay đổi. Nhiều dự án được đầu tư trên Huyện đảo này, khách du lịch cũng sẽ tăng rất nhanh. Cho nên, tôi đang tính sẽ xây dựng 1 khách sạn đủ để phục vụ những du khách đến với đảo Cô Tô, vì trên đảo cũng chưa có được khách sạn lớn nào”.
|
Nhiều nhà mới, nhà cao tầng bắt đầu được xây dựng trên đảo Cô Tô - Ảnh: Ngọc Tuấn. |
Nhiều gia đình ở thôn Nam Hà, xã Đồng Tiến (Cô Tô) cũng rất vui mừng khi tới đây điện lưới quốc gia được đưa ra đảo phục vụ nhân dân. Anh Đặng Hồng Quang, thôn Nam Hà cho biết: “Không vui sao được, khi trước đây làm ăn hay sinh hoạt đều bất tiện vì điện chỉ cấp vài giờ mỗi ngày, nay thì các hộ gia đình đang ấp ủ nhiều dự án để “đón điện lưới quốc gia”. Đây cũng là ước mơ của tất cả các hộ dân trên đảo”.
Nỗ lực để đóng điện cho Huyện đảo trước 15/10
Tại trạm biến áp phân phối 22/0,4 kV và vị trí cột số 10 ở thôn Nam Hà, xã Đồng Tiến - Nơi đón nguồn điện đầu tiên từ cáp ngầm, ông Đoàn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty CP Xây lắp điện T&D cho biết, việc nghiệm thu kỹ thuật đã được các đơn vị chủ thầu hoàn tất, giờ chỉ còn bờ kè và đường dốc của trạm cắt đang trong giai đoạn hoàn thành để chuẩn bị cho việc đón dòng điện đầu tiên từ đất liền ra đảo.
Ông Trần Quang Hải, tổ trưởng tổ nghiệm thu số 2 Công ty Điện lực Quảng Ninh cho biết, qua kết quả nghiệm thu cho thấy, các đơn vị, nhà thầu thi công đều đảm bảo tiến độ, chất lượng thi công đáp ứng theo đúng thiết kế và dự toán đã phê duyệt.
Hiện, đơn vị đang cho khắc phục một số tồn tại nhỏ như một số vị trí vẫn có khoảng cây cao trong và ngoài hàng lang, tiếp địa bắt chưa chặt,… sẵn sàng chờ thời điểm đóng điện.
|
Trạm biến áp phân phối 22/0,4kV tại thôn Nam Hà, xã Đồng Tiến là nơi đón nhận nguồn điện đầu tiên lên đảo Cô Tô - Ảnh: Ngọc Tuấn. |
Rời đảo Cô Tô, chúng tôi lên tàu tiếp tục đến vị trí xà lan đang rải cáp đoạn Ba Mùn – Cô Tô - đây là đoạn cáp thi công phức tạp nhất. Mất gần 2 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, chúng tôi mới đến nơi. Trên xà lan, tiếng máy kéo cáp, máy phát điện nổ ròn tan.
Ông Nguyễn Hồng Thái – Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Điện Thái Dương (đơn vị thi công rải cáp ngầm) cho biết: “Để thi công hơn 23 km cáp ngầm xuyên biển, chúng tôi đã sử dụng robot chôn trực tiếp cáp ngầm dưới đáy biển và có các thiết bị hiện đại giám sát thi công dưới độ sâu 25 mét. Đây cũng là Dự án đầu tiên trong cả nước được thi công với công nghệ chôn ngầm cáp 22 kV dưới đáy biển". Việc khớp nối các đoạn cáp ngầm Ba Mùn – Cô Tô (với chiều dài là hơn 15 km) và Cô Tô-Thanh Lân (với chiều dài 2,1km) cũng như các hạng mục công trình khác của Dự án đang được khẩn trương để đóng điện thử ra đảo Cô Tô trước ngày 15/10/2013.
Ông Thái cho biết thêm, để kịp tiến độ đóng điện cho Dự án, vào những ngày sóng nhỏ, công nhân phải làm việc 16 đến 18 giờ/ngày. Vị trí đảo Ba Mùn có sóng rất lớn, lại thi công trong mùa mưa bão nên gặp nhiều khó khăn. Tại những đoạn có địa hình phức tạp, đơn vị thi công đã phải xoay ngang xà lan và xả cáp xuống biển rồi mới có thể tiếp tục thi công tiếp được…
|
Những mét cáp điện ngầm 22 kV, được đơn vị thi công rải xuống biển trên đoạn Ba Mùn - Cô Tô - Ảnh: Ngọc Tuấn. |
Tại đất liền, Công ty Lưới điện Cao thế Miền Bắc đã tiếp nhận và trực vận hành Trạm 110 kV Vân Đồn, chờ đấu nối đường dây. Tất cả đã hoàn thành, đợi ngày đóng điện.
Rời đảo trên chuyến tàu cao tốc về đất liền, tôi hình dung rồi đây, khi có điện lưới quốc gia, huyện đảo Cô Tô, sẽ có nhiều công trình được đầu tư, nhiều khu kinh tế tổng hợp, khu du lịch biển đảo chất lượng cao, khu dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp,… tất cả đang đến rất gần. Việc “phủ sóng” điện lưới quốc gia trên huyện đảo Cô Tô là thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về ưu tiên đầu tư phát triển cho những vùng biên giới hải đảo, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Đông Bắc của tổ quốc.
Dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh)
-
Dự án do UBND tỉnh Quảng Ninh và Tổng công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư.
-
Tổng mức đầu tư hơn 1.106 tỷ đồng.
-
Trong đó: Đường dây trên không 110kV có chiều dài 23,2km gồm 2 đoạn tuyến.
-
4 đoạn tuyến cáp ngầm tiêu chuẩn 22kV xuyên biển có tổng chiều dài hơn 23 km
-
Xây dựng 12 TBA phân phối 22/0,4 kV với tổng công suất là 2.830kV cấp điện cho các xã Đông Tiến, Thanh Lân và thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô.
-
Tuyến đường dây hạ áp sau các trạm biến áp có tổng chiều dài hơn 29km
-
Khởi công tháng 11/2012.
-
Kết thúc dự án tháng 10/2013.
|