Đường dây 220 kV Vân Trì – Chèm chậm tiến độ: Chính quyền địa phương cần quyết liệt hơn!

“Dự án đường dây 220 kV Vân Trì - Chèm sẽ đảm bảo truyền tải 25% công suất điện cho thành phố Hà Nội trong mùa hè này. Nếu không đưa đường dây vào vận hành trong tháng 6/2014 thành phố Hà Nội sẽ là địa phương duy nhất của cả nước có nguy cơ thiếu điện”, đó là khẳng định của ông Trần Kim Vũ - Phó giám đốc Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Bắc (AMB), thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT)”.

6 triệu dân chờ 41 hộ dân

Dự án ĐD 220 kV Vân Trì - Chèm do EVN NPT làm chủ đầu tư với tổng số vốn trên 574,6 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 12/2012 và dự kiến đóng điện vào cuối tháng 5/2014 (kế hoạch ban đầu tháng 12/2013).Tuy nhiên,  đến nay công trình vẫn chưa thể hoàn thành do vướng công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Công trình đi qua địa bàn 2 huyện Mê Linh và Đông Anh (TP.Hà Nội) với tổng cộng 42 vị trí cột. Đây là công trình trọng điểm quốc gia với mục đích chống quá tải và cung cấp điện cho TP Hà Nội. Tính đến nay, toàn bộ cột của công trình đã được dựng xong, phần kéo dây đã thực hiện được 7,5 km, đang thực hiện kéo dây trên 1 km và còn vướng mắc khoảng 3 km nữa nằm ở 5 khoảng vị trí do người dân chưa chịu nhận đền bù.

Ví trí 32-33 đường dây 220 kV Vân Trì - Chèm chưa kéo được dây do người dân chưa chịu bàn giao mặt bằng - Ảnh PV

Ông Trần Kim Vũ cho biết, 5 khoảng vị trí còn vướng mắc đó là: Vị trí 4-7; 7-8 trên địa bàn xã Nam Hồng (huyện Đông Anh với 18 hộ dân); vị trí từ 32-33 thuộc xã Đại Mạch (Đông Anh) với 8 hộ dân; vị trí 34-35; 35-37 thuộc xã Võng La (Đông Anh) với 15 hộ dân. Tất cả các vướng mắc này đều do người dân, doanh nghiệp chưa chịu bàn giao mặt bằng vì họ cho rằng giá đền bù mà UBND TP. Hà Nội đưa ra không sát với  thực tế.

Hiện tại, Hà Nội không có nguồn điện mới nào đưa vào vận hành, trong khi tất cả các trạm biến áp tại nội thành đã nâng hết công suất. Vì vậy, cần phải truyền tải qua lưới điện cao áp từ Hòa Bình, Bắc Giang về. Theo tính toán, công suất của Hà Nội khoảng 2.000-2.400 MW trong năm nay, đặc biệt là trong mùa hè, đường dây này có thể truyền tải từ 400-600 MW (chiếm khoảng 25% công suất của Hà Nội). Chính vì vậy, tiến độ xây dựng công trình nhận được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo EVN cũng như lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội.

“Tuy nhiên, vì không chấp nhận mức đền bù mà UBND TP.Hà Nội đưa ra, 41 hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng để AMB thực hiện thi công, trong khi đó, 6 triệu dân sống trong nội thành Hà Nội đang có nguy cơ phải cắt điện do sự chậm trễ này”, ông Vũ bày tỏ búc xúc.

Sẽ bàn giao mặt bằng trong tháng 6

Ông Hà Văn Khanh - Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh khẳng định, đây là công trình được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm bởi diện tích thu hồi đất ít, nhưng hiệu quả xã hội vô cùng lớn đảm bảo điện cho thành phố Hà Nội ngay trong mùa hè này. Tuy nhiên, hiện tại công trình vẫn vướng mắc do 41 hộ dân của 3 xã chưa chịu nhận bồi thường theo đơn giá hiện hành.

Để dự án tiếp tục được thi công rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị huyện Đông Anh - Ảnh PV

Trước câu hỏi của phóng viên, vậy khi nào công tác đền bù giải phóng mặt bằng có thể xong, ông Khanh cho biết: “Điều này còn phụ thuộc vào Thành phố Hà Nội. Hiện tại Thành phố chưa phê duyệt được xong giá đền bù mới, nên chúng tôi không thể nói khi nào xong được. Sau khi có giá đền bù mới, chúng tôi sẽ công khai trước dân, sau đó họp Hội đồng rồi phê duyệt, chi trả. Có thể nói chúng tôi đang làm rất quyết liệt, đã làm hết trách nhiệm của mình”.

Ông Tô Văn Đảm - Trưởng ban Đền bù giải phóng mặt bằng huyện Đông Anh, Phó chủ tịch Hội đồng Đền bù giải phóng mặt bằng Dự án đường dây 220 kV Vân Trì-Chèm cho biết thêm: “Chúng tôi đã phối hợp với Đảng ủy, Chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở 3 xã trên để tuyên truyền sâu rộng đến người dân về tầm quan trọng của Dự án cũng như các quy định pháp luật về công tác đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng. Sau khi có phương án đền bù mới, được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, chúng tôi sẽ tổ chức họp dân công khai giá, nếu người dân vẫn cố tình không đồng ý thì buộc chúng tôi phải tổ chức cưỡng chế để Ban AMB có thể thi công Dự án trong tháng 6. Tuy nhiên, biện pháp cưỡng chế là bất đắc dĩ, chúng tôi hi vọng chỉ cần tuyên truyền là người dân có thể hiểu”.

Dưới sức ép đảm bảo điện cho thành phố Hà Nội ngay từ mùa hè này, ông Trần Kim Vũ cho rằng: “Có thể nói với tiến độ gấp rút như hiện nay, Ban AMB đã nỗ lực hết mình và chúng tôi cũng yêu cầu các nhà thầu đang tập trung lực lượng tại công trường để sẵn sàng kéo dây khi có mặt bằng. Để có được mặt bằng, chúng tôi đang rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị huyện Đông Anh”.

 


  • 04/06/2014 11:44
  • Xuân Tiến
  • 2991


Gửi nhận xét