EVN làm gì để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai?

Ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai năm 2018, ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN yêu cầu các đơn vị trong Tập đoàn phải chủ động trước mọi tình huống.

Sẽ có khoảng 5-6 cơn bão 

Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: Vào đầu mùa mưa, bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm ở khu vực phía Bắc biển Đông và sẽ dịch chuyển dần về phía Nam trong những tháng cuối năm 2018. Năm nay, khả năng bão và áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến khu vực Trung bộ. Dự báo sẽ có khoảng 12 - 13 cơn bão hình thành và hoạt động trên biển Đông, trong đó khoảng 5-6 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. 

Để chủ động ứng phó, phòng chống với thiên tai bão lũ năm 2018, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) EVN Ngô Sơn Hải yêu cầu các đơn vị quản lý lưới điện phải tổng kiểm tra, củng cố và khắc phục kịp thời những tồn tại, khiếm khuyết của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, TBA… nhất là tại các địa bàn xung yếu, các cột điện ở triền dốc, gần bờ sông, suối... Xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị vật tư, nguồn nhân lực đảm bảo an toàn cho người, thiết bị khi xảy ra bão lũ, ngập úng, khắc phục một cách nhanh nhất các sự cố, sớm cấp điện trở lại và tích cực hỗ trợ các đơn vị khác khi thiên tai, lũ lụt  xảy ra.

Các đơn vị tăng cường củng cố lưới điện trước mùa mưa bão

Đối với các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện, ông Ngô Sơn Hải yêu cầu kiểm tra và thực hiện nghiêm các quy trình về quản lý vận hành an toàn đập, công trình, thiết bị đóng mở ở đập tràn, nguồn điện diesel dự phòng, đảm bảo có đầy đủ số liệu về thủy văn vận hành hồ chứa. Rà soát, kiểm tra các  phương án thông tin, liên lạc, đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống. Phối hợp với chính quyền các cấp tại địa phương có liên quan, kiểm tra hiện trạng dòng chảy thoát lũ ở hạ lưu đập và kịp thời xử lý các vi phạm về an toàn đập, làm ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ của công trình, đảm bảo xả lũ an toàn, hạn chế thiệt hại tại vùng hạ lưu khi xả lũ. 

Không lơ là, chủ quan

Ông Trịnh Xuân Nguyên - Phó Trưởng ban An toàn (EVN) cho biết, trong những năm qua, sự bất thường và diễn biến khó lường của thời tiết càng đòi hỏi các đơn vị phải chủ động, không được chủ quan, lơ là trong phòng chống thiên tai bão lũ. Bên cạnh đó, phải thực hiện nghiêm phương châm “bốn tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai. 

Việc khôi phục, cấp điện trở lại khi lưới điện bị thiệt hại nặng, xảy ra trên phạm vi rộng, cần phải tập trung lực lượng khắc phục theo đúng quy trình, có trọng tâm, trọng  điểm, không dàn trải. Trước hết, phải tập trung ưu tiên cấp điện trở lại an toàn và nhanh nhất cho cơ quan chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, cơ sở y tế, cung cấp nước sạch, viễn thông, phát thanh, truyền hình, các trạm bơm tiêu nước chống úng ngập...  Ông Trịnh Xuân Nguyên cho biết thêm: “Trong phương án PCTT, ngoài vật tư, thiết bị dự phòng của từng đơn vị, cần tính đến phương án huy động vật tư, thiết bị của các đơn vị có năng lực từ bên ngoài (có sự thỏa thuận nguyên tắc trước mùa mưa bão) kịp thời khắc phục nhanh hậu quả mưa bão”. 


  • 08/05/2018 09:58
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 13258