Hà Nội thử nghiệm mô hình xử lý rác thải công nghiệp: Biến rác thành điện

Theo tính toán, mỗi ngày Hà Nội có khoảng 5.000 tấn rác thải. Với lượng rác như vậy, đến năm 2015, Hà Nội sẽ không còn đất để chôn lấp rác. Một dự án mẫu xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp, biến rác thành điện năng tại bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) vừa được khởi công…

(Ảnh minh họa)

Sau gần 2 năm đầu tư nghiên cứu, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị  Hà Nội (URENCO) và Công ty Hitachi Zosen - Nhật Bản  đã khởi công dự án “Hệ thống xử  lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Nam Sơn" (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Dự án do Tổ chức phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới Nhật Bản (NEDO) tài trợ. Đây là mô hình kiểu mẫu đầu tiên tại Việt Nam, áp dụng công nghệ lò đốt tiên tiến, tái sử dụng nguyên liệu chất thải, biến thành điện năng.

Theo URENCO, Dự án này sử dụng công nghệ đốt chất thải tiên tiến, có thu hồi năng lượng để sản xuất điện năng. Đây là một trong những công nghệ tiên tiến của Nhật Bản nhằm xử lý chất thải công nghiệp triệt để, phát triển năng lượng thay thế và giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Một số loại rác thải mà dự án có khả năng xử lý gồm: Cao su, nhựa và vải... kể cả chất thải đòi hỏi nhiệt trị cao và kích thước lớn.

Theo dự án,công suất xử lý rác thải là 75 tấn/ngày, đồng thời tận dụng lượng nhiệt để phát điện với công suất 1.930 kW (ở chế độ định mức). Dự án sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường thông qua việc xây dựng các hệ thống lò đốt và xử lý làm sạch khí thải, thu hồi nhiệt và máy phát điện sử dụng công nghệ tuabin hơi nước để sản xuất điện năng.

Dự án sẽ góp phần giảm áp lực về diện tích đất đổ thải cho Hà Nội, đồng thời, xử lý một cách hiệu quả khối lượng chất thải công nghiệp của Thủ đô và khu vực lân cận. Ngoài ra, dự án còn góp phần tận dụng lượng nhiệt từ việc xử lý chất thải công nghiệp để sản xuất điện năng, góp phần làm giảm gánh nặng về việc thiếu hụt điện năng của Thành phố.
Theo ông Phạm Ngọc Hải - Chủ tịch HĐTV URENCO, dự án góp phần vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, phù hợp với chiến lượng quốc gia về bảo vệ môi trường của Chính phủ Việt Nam.

Ông Đoàn Ngọc Dương – Giám đốc Trung tâm Tư vấn nhiệt điện, Điện hạt nhân và Môi trường – Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đơn vị tư vấn cho dự án khẳng định, dự án có 2  mục đích chủ yếu là, giải quyết vấn đề môi trường và tạo ra điện năng phục vụ cho nhu cầu sử dụng điện tại chỗ.

Có thể nói, những chất thải có nhiệt trị cao như cao su, da, nhựa, vải… ở  Việt Nam hiện nay rất nhiều. Nếu mô hình này thử nghiệm thành công, chúng ta hoàn toàn có thể nhân rộng ra các địa phương khác, góp phần xử lý chất thải công nghiệp một cách hiệu quả nhất, đồng thời có thêm nguồn  điện phục vụ nhu cầu xã hội.

Dự án “Xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Nam Sơn”

- Đơn vị chủ quản: Bộ Tài nguyên và Môi trường.UBND thành phố Hà Nội, Tổ chức NEDO Nhật Bản
- Đơn vị thực hiện dự án: Công ty URENCO, Công ty Hitachi Zosen
- Địa điểm thực hiện dự án: Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội.
- Thời gian thực hiện: 1 năm (Dự kiến đưa vào vận hành quý 4/2014)
- Tổng mức đầu tư: 612,236 tỉ đồng
- Sản lượng điện hằng năm: 15 triệu kWh
- Thời gian hoạt động của dự án: 30 năm

 


  • 19/11/2013 10:55
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 26899


Gửi nhận xét