Năm 1959, bộ tộc người Rục sống ở trong hang đá giữa rừng sâu heo hút, đã được một tổ tuần tra thuộc lực lượng công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) tình cờ phát hiện. Sau nhiều ngày thuyết phục, 11 hộ và 34 người Rục đầu tiên “miễn cưỡng” rời hang về thung lũng Thượng Hóa, bỡ ngỡ dựng lều và bắt đầu làm quen với làm rẫy, trỉa đậu, trồng ngô.
Những hạt muối, nắm gạo, bắp ngô do các chiến sĩ công an vũ trang san sẻ đã giữ chân và thuyết phục được những người Rục cuối cùng về định cư tại các bản Ón, Yên Hợp, Mò O, Phú Minh, với tổng số 110 người.
Năm 2001-2002, Nhà nước đã đầu tư 23 tỷ đồng làm đường nối các bản người Rục với trung tâm xã, kéo điện vào nhà từng hộ dân, nhiều mùa rẫy đi qua, cuộc sống người Rục đã có những thay đổi đáng kể. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã xây dựng gần 10 km đường dây 22kV; lắp 5 TBA phân phối và gần 8 km đường dây hạ áp để cấp điện cho đồn Biên phòng 585 và 4 bản người Rục đang sinh sống.
Đồng bào Rục thu hoạch lúa
|
Từ năm 2007, lưới điện xã Thượng Hóa do Bộ đội Biên phòng đầu tư đã được Công ty Điện lực Quảng Bình tiếp nhận, tạo điều kiện để ngành Điện sửa chữa và tăng cường công tác quản lý vận hành thường xuyên, cấp điện ổn định hơn cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Do địa hình bốn phía bao quanh là núi, nên Thượng Hóa mùa hè nắng khét đá; còn mùa mưa nước thoát chậm, lại là vùng trũng của huyện thường bị ngập sâu.
Trận lũ lịch sử tháng 10/2010 đã cô lập và chia cắt các bản người Rục nhiều ngày. Nhiều khu vực lũ dâng cao hơn nửa cột điện trung áp, đã nhấn chìm nhiều trạm biến áp trong nước. Lũ làm sạt lở, phá hỏng hơn 1 km đường dây hạ áp cấp điện cho 35 hộ người Rục ở bản Phú Minh. Giữa mênh mông nước lũ, các cấp chính quyền địa phương lo cái ăn cho người Rục những ngày bị chia cắt. CBCNV Công ty Điện lực Quảng Bình thì nỗ lực khắc phục sự cố lưới điện và điện đã được cấp lại cho các hộ chỉ trong vòng 1 tuần sau khi lũ vừa rút.
Bây giờ, đến với đồng bào Rục ở xã vùng cao Thượng Hoá, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay. 168 hộ với trên 720 nhân khẩu hiện nay đã sinh hoạt theo chính quyền và hoạt động đoàn thể khá hiệu quả. Từ khi có điện, cuộc sống, tập tục sinh hoạt lạc hậu đã đổi thay đáng kể, họ đã hòa nhập với cuộc sống văn minh. Nhiều hộ đã sắm được xe máy, ti vi, đồ dùng điện…
Lắp đặt điện trong nhà cho đồng bào Rục
|
Người Rục cũng đã quen ngược lên cửa khẩu Cha Lo hoặc xuôi về thị trấn Quy Đạt và các cửa hàng trong huyện để mua bán, trao đổi hàng hoá. Lễ hội truyền thống rằm tháng 3 vừa qua tại huyện Minh Hóa mang đậm văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó nét văn hóa của người Rục đã trở thành một trong nhưng nét văn hóa hiếm có của cộng đồng các dân tộc anh em trên miền núi cao này.
Mới đây, được giúp sức của chính quyền địa phương và sự hướng dẫn của đồn Biên phòng 585, lần đầu tiên người Rục đã học được cách trồng lúa nước. Trạm bơm nhỏ được lắp đặt, cấp điện đảm bảo nước gieo cấy và tưới lúa 2 vụ trên diện tích 10 ha canh tác đầu tiên. Từ chỗ quen săn bắt, hái lượm, bới đất trỉa hạt, người Rục đã trồng được lúa đem lại năng suất cao. Đồn Biên phòng 585 cũng đang tiến hành trồng cao su thử nghiệm trên diện tích 0,5 ha tại bản Yên Hợp nhằm nhân rộng diện tích và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây để người Rục tiếp tục vươn lên chăm lo tốt cho cuộc sống của mình.
Hơn 50 năm, ấy là cả hành trình dài người Rục đi ra từ bóng tối núi rừng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các chiến sĩ biên phòng và ngành Điện đã không quản khó khăn, đồng cam cộng khổ giúp đỡ đồng bào từng bước ổn định đời sống và phát triển kinh tế, văn hóa.