Hiện tường rò rỉ nước ở Thủy điện sông Tranh: Không ảnh hưởng đến an toàn của đập

Để rộng đường dư luận về hiện tượng rò rỉ nước ở Thủy điện Sông Tranh, chúng tôi đã phỏng vấn ông Bùi Thức Khiết – một chuyên gia về thủy điện, Thành viên Hội đồng nghiệm thu nhà nước công trình Thủy điện Sơn La:

PV: Ban QLDA Thủy điện sông Tranh giải thích đây là hiện tượng rò rỉ nước ở các khe nhiệt. Ông có ý kiến gì về vấn đề này, thưa ông?

Ông Bùi Thức Khiết: Khe nhiệt là kết cấu của công trình để đảm bảo cho sự giãn nở của vật liệu công trình khi thay đổi nhiệt độ. Về nguyên tắc, các khe nhiệt phải được kín và không làm ảnh hưởng đến độ an toàn của công trình. Trường hợp khe nhiệt không kín thì có thể gây rò rỉ nước từ thượng lưu xuống hạ lưu.

Theo báo cáo của BQL thì lượng thấm này là trong phạm vi cho phép và việc xử lý hoàn toàn trong tầm kiểm soát. Và như vậy nó không ảnh hưởng gì đến an toàn của đập. Vấn đề là phải xử lý triệt để nhằm ngăn chặn khả năng thấm của các khe nhiệt.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng sự cố trên đập là do ảnh hưởng của động đất kích thích. Ông thấy thế nào?

Ông Bùi Thức Khiết: Trong lịch sử ngành thủy điện Việt Nam, hiện tượng động đất kích thích cũng đã từng xảy ra với nhiều công trình thủy điện. Cụ thể, tại công trình Thủy điện Hòa Bình, ngay năm đầu tiên tích nước, đã xảy ra động đất kích thích.

Đây là loại động đất xảy ra do tác động của việc tích nước hoặc do lượng nước có thể thấm vào những vùng có các khe nứt sẵn có trong vùng, nó có thể làm mềm, làm thay đổi đặc tính cơ lý của các vùng đó. Thông thường, động đất kích thích xảy ra không lớn hơn tiềm năng động đất đã được dự báo tại vùng đó. Cho nên về lý thuyết, động đất kích thích không ảnh hưởng đến sự an toàn của đập nếu được tính toán và thi công đầy đủ. Tôi được biết, hiện tượng động đất xảy ra ở Bắc Trà My mới đây đã được một cơ quan điều tra đã xác định đó là động đất kích thích. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định như vậy. Tuy nhiên, động đất kích thích không thể lớn hơn tiềm năng động đất đã được tính toán cho vùng đó. (Trong quá trình khảo sát xây dựng đập Thủy điện Sông Tranh 2, Viện Vật lý địa cầu đánh giá khu vực xây nhà máy có khả năng phát sinh động đất cực đại với độ lớn 5,5 độ richter và thiết kế của đập đã tính đến yếu tố này. Trận động đất kích thích xảy ra tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 vào cuối tháng 11 năm ngoái có độ mạnh là 3,4 độ richter – PV)

Do đó, nó không thể gây ảnh hưởng đến công trình. Còn theo như báo cáo của BQL thì hiện tượng rò rỉ nước ở sông Tranh không phải do vết nứt mà chỉ là rò rỉ của những khe nối biến dạng nhiệt thì 2 hiện tượng đấy hoàn toàn không liên quan đến nhau.

PV: Theo ông thì khả năng khắc phục của Sông Tranh 2 sẽ như thế nào?

Ông Bùi Thức Khiết: Thông thường thì các thiết kế đập rất hoàn chỉnh. Nếu thực hiện theo đúng thiết kế thì không có vấn đề gì. Thế nhưng hiện tượng các khe nhiệt ở các công trình thủy điện rỉ nước cũng thường hay xảy ra và vẫn có thể khắc phục được. Tôi chưa tận mắt xem cụ thể vết rò rỉ ở khe nhiệt nào, nhưng nhìn chung phải khắc phục xử lý khe nhiệt bằng cách tăng cường đầy đủ những chất để chèn từ phía thượng lưu tới phía hạ lưu. Ví dụ, tạo thêm những điểm nhấn ở trong cái khe biến dạng đó để đưa các chất chống rò rỉ vào đó...

PV: Phía chính quyền huyện Bắc Trà Mi đang lo ngại về việc lập quan trắc đo đếm, chống sạt ở đây chưa thực hiện, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Bùi Thức Khiết: Bất cứ công trình thủy điện nào khi xây dựng và được duyệt cũng phải có một thiết kế về quan trắc ngay từ đầu và được Hội đồng nghiệm thu nhà nước giám sát rất chặt chẽ. Đây là yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ. Nếu có biến động thì phải có thiết kế bổ sung. Nếu không đảm bảo các yêu cầu này thì hội đồng nghiệm thu nhà nước sẽ không bao giờ xác nhận được cho các công trình đó là đã thực hiện được công tác giám sát chất lượng. Với công trình này đã được hội đồng nghiệm thu nhà nước thông qua thì có nghĩa là những thiết kế về công tác quan trắc đã phải hoàn thành rồi.

PV: Với tư cách là chuyên gia về thủy điện, ông có khuyến cáo gì với những công trình thủy điện sau sự cố của Sông Tranh 2

Ông Bùi Thức Khiết: Thủy điện là một dạng công trình khá phức tạp với địa chất, thủy văn. Do đó, khi xây dựng công trình thủy điện đòi hỏi phải nghiêm túc thực hiện tất cả các bước, từ thiết kế, thẩm định thiết kế đến thi công, giám sát thi công Thực ra, mức độ yêu cầu về đảm bảo chất lượng công trình từ nhà máy thủy điện nhỏ nhất đến những nhà máy thủy điện lớn nhất như Sơn La cũng không khác gì nhau.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!


  • 21/03/2012 04:19
  • Ngọc Loan
  • 2585


Gửi nhận xét