Hội thảo khoa học về “Địa chất công trình nền đập Thủy điện Sông Tranh 2”

Ổn định nền đập Thủy điện Sông Tranh 2 là vấn đề nóng bỏng được đưa ra trong cuộc Hội thảo “Địa chất công trình nền đập Thủy điện Sông Tranh 2” diễn ra vào sáng nay 9/11, tại Hà Nội. Hội thảo do Hội Địa chất công trình và Môi trường Việt Nam tổ chức, là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà địa chất, các nhà quản lý… đánh giá về những vấn đề liên quan đến ổn định nền đập Thủy điện Sông Tranh 2.

Đông đảo các nhà khoa học, các học giả, các nhà quản lý, các cơ quan báo chí đã đến tham dự Hội thảo - Ảnh Xuân Tiến

Hội thảo với sự có mặt của GS.TSKH Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, ông Tống Văn Nga - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Đỗ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), ông Bùi Trung Dung - Phó Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng), đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nghiên cứu và gần 200 đại biểu là các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư, các nhà quản lý đang hoạt động trong lĩnh vực địa chất công trình, nền móng, xây dựng, địa chất và địa vật lý.

Tại Hội thảo, một vấn đề được các nhà khoa học đưa ra bàn thảo gay gắt, đó là: “Có hay không việc đứt gãy tại khu vực đập”. Các nhà khoa học như PGS.TS KH Phan Văn Quýnh (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Huy Phương (Hội Địa chất công trình và Môi trường Việt Nam, PGS.TS Lê Trọng Thắng - Trưởng bộ môn Địa chất công trình (Đại học Mỏ địa chất) và hầu hết những ý kiến thảo luận đều cho rằng: Trong khu vực tồn tại các đứt gãy bậc II và bậc III thuộc đới đứt gãy (đoạn đứt gãy có ranh giới) Hưng Nhượng – Tà Vi, có khả năng sinh chấn động đất đến 5,5 độ richter, nhưng không đi qua nền đập mà cách nền đập khoảng 2 km. Hệ thống đứt gãy bậc IV là những đứt gãy nhỏ không ảnh hưởng đến ổn định nền đập.

Hội thảo khoa học diễn ra nghiêm túc  đi đến kết luận thống nhất về mức độ an toàn nền đập Thủy điện Sông Tranh 2 - Ảnh Xuân Tiến

Đối với vai đập Thủy điện Sông Tranh 2, độ dốc vai đập không lớn, lớp phủ phong hóa mỏng đã được bóc bỏ, vai đập đặt trên nền đá đới IIA nên rất bền vững. Tuy nhiên, trên vai trái đập, tồn tại khối lượng nhỏ trong tầng phủ, mặc dù ít ảnh hưởng đến ổn định vai đập, nhưng cần có biện pháp xử lý, đảm bảo an toàn giao thông cho tuyến đường đi qua tuyến đập.

Về mức độ thấm nước qua nền và vai đập, hầu hết tất cả các nhà khoa học đều đánh giá nền và vai đập của Thủy điện Sông Tranh 2 là đá gneis cứng chắc, ít nứt nẻ, đã được khoan phụt gia cường và khoan phun tạo màng chống thấm nên có thể yên tâm về vấn đề thấm nước qua nền và vai đập.

Đối với vấn đề động đất tại khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 trong thời gian qua, PGS.TS Cao Đình Triều (Viện Vật lý Địa cầu) cho rằng: Những trận động đất quan trắc được từ khi tích nước hồ chưa đến nay là động đất kích thích chứ không phải động đất tự nhiên. Cường độ động đất kích thích lớn nhất đo được ngày 22/10/2012 với gia tốc nền 106,82 cm/s2  (4,6 độ richter). Theo kết quả nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu, thời gian tới, tại công trình Thủy điện Sông Tranh 2, động đất kích thích vẫn tiếp tục xảy ra, nhưng cường độ không vượt quá tiêu chuẩn thiết kế của đập. Vì vậy, đập Thủy điện Sông Tranh 2 an toàn.

Các nhà khoa học phát biểu nhiều ý kiến tâm huyết tại Hội thảo  - Ảnh Xuân Tiến

Sau các báo cáo khoa học đã được trình bày và ý kiến phát biểu tham luận, trao đổi, đánh giá về vấn đề ổn định nền đập Thủy điện Sông Tranh 2 tại Hội thảo, PGS.TS Tạ Đức Thịnh – Chủ tịch Hội Địa chất Công trình và Môi trường Việt Nam, chủ trì Hội thảo khoa học này đưa ra kết luận: "Nền đập Thủy điện Sông Tranh 2 được cấu tạo bởi đá gneis cứng chắc, ít nứt nẻ, không có hiện tượng dập nát, vỡ vụn... Đập được đặc hoàn toàn trên đới I IA có giá trị cường độ kháng nén rất cao, đạt 900-1000 kg/cm2, cường độ kháng cắt khối đá bão hòa cao (góc ma sát trong đạt 51 độ, lực dính kết đạt 0,58 Mpa). Như vậy, nền đập Thủy điện Sông Tranh 2 hoàn toàn ổn định".

Tuy nhiên, PGS.TS Tạ Đức Thịnh cũng đưa ra kiến nghị: "Động đất kích thích rất khó dự báo nên cần tiếp tục  quan trắc nhằm phát hiện những biến đổi bất thường cũng như giải thích, tuyên truyền cho nhân dân hiểu biết rõ về động đất kích thích để người dân sống và làm việc bình thường, nâng cao ý thức cảnh giác, không hoang mang dao động, thận trọng trước những thông tin không có căn cứ khoa học liên quan đến ổn định nền đập".


  • 09/11/2012 01:32
  • Xuân Tiến
  • 4040


Gửi nhận xét