Hành trình 8km: 30 người khiêng máy biến áp nặng 1 tấn…
Cơn bão số 3 (Yagi) làm hư hỏng 4 trạm biến áp, 449 cột điện, gần 4.000m dây cùng 5 hòm công tơ, 225 công tơ. Đối diện với thách thức khôi phục lại lưới điện sau bão là một bài toán nan giải của Điện lực Bát Xát khi nhân lực hạn chế, trong khi nhiều tuyến đường đang chia cắt do sạt lở.
Thôn Tùng Chỉn 3, xã Trịnh Tường là một địa điểm vùng cao đặc biệt khó khăn, cách trung tâm thị trấn Bát Xát khoảng 70km. Đây cũng là địa điểm chịu nhiều thiệt hại nặng nề sau bão Yagi. Tại đây, trạm biến áp (TBA) Tùng Chỉn 3 đã đổ sập, gây mất điện cho 51 hộ dân.
Trạm biến áp Tùng Chỉn 3 bị đổ sau bão Yagi. Ảnh Nguyễn Hiền.
|
Với địa hình núi cao hiểm trở, giao thông phức tạp khiến công tác khôi phục lưới điện gặp muôn vàn khó khăn, thách thức lớn nhất mà Điện lực Bát Xát phải đối mặt chính là làm thế nào để vận chuyển một máy biến áp lên địa hình núi cao, nơi mà các phương tiện cơ giới không thể tiếp cận do sạt lở gây chia cắt đường giao thông.
Giám đốc Điện lực Bát Xát Trần Xuân Bất cho biết, sau khi họp bàn lên phương án chỉ có cách duy nhất là sử dụng sức người.
"Với phương châm 4 tại chỗ, tôi đã liên hệ với chính quyền xã Trịnh Tường và trưởng thôn Tùng Chỉn 3, đề nghị hỗ trợ từ phía địa phương”- Ông Trần Xuân Bất nhớ lại.
Vừa nghe tin vận động, cả thôn đều xung phong tham gia. Ngay từ sáng sớm, khi trời vẫn che phủ bởi màn mưa dày đặc, bà con tay thúng tay cuốc đã có mặt tại điểm tập kết chờ hiệu lệnh.
Lúc này, máy biến áp (MBA) thay thế cũng vừa kịp được vận chuyển đến nhà văn hóa thôn, nhưng đoạn đường 8km đến vị trí sự cố vẫn lầy lội trong bùn đất nên xe cơ giới không thể tiếp cận. Để giải quyết nhanh nhất sự cố, công nhân điện lực và người dân đồng lòng sử dụng cây buộc vào máy biến áp như một chiếc kiệu. Sau tiếng hô vang, 30 người, từ thanh niên trai tráng đến người lớn tuổi chia làm 4 hướng nhấc bổng trạm biến áp nặng 1 tấn để vượt qua đoạn đường lầy lội. Với cung đường dốc cao thì lại dùng phương pháp kéo đẩy...Có những đoạn, sườn núi sạt lở, đất hòa với mưa tạo thành bùn cao ngang gối, nhiều chỗ mất hết đường đi, khi ấy người dân dùng cuốc, xẻng mở đường, cào bùn đất, vác đá, dọn cành cây.
Bà con thôn Tùng Chỉn 3 hỗ trợ kéo máy biến áp vào điểm xảy ra sự cố. Ảnh Nguyễn Hiền.
|
Cứ như vậy, người khiêng đứng sát vào nhau di chuyền từng chút một, người dọn dẹp hối hả mở đường phía trước, quên cả thời gian, tất cả đều vì mong muốn sớm đưa dòng điện trở lại, thắp sáng lại xóm làng.
“Hình ảnh những đôi chân trần bám đất, mồ hôi ướt đẫm lưng áo của người dân khiến chúng tôi không khỏi cảm động. Ánh mắt sáng ngời và nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt khi nhìn thấy chiếc máy biến áp “khổng lồ” đã vào đúng vị trí khiến mọi mệt mỏi dường như tan biến”, một cán bộ Điện lực Bát Xát chia sẻ.
Anh Tẩn Ông Sểnh, một người dân thôn Tùng Chỉn 3, xã Trịnh Tường, chia sẻ: "Đối với chúng tôi, điện là nguồn sống quan trọng. Khi bão gây ra sự cố, mọi người đều tình nguyện tham gia hỗ trợ công việc, góp sức cùng Điện lực Bát Xát khắc phục khó khăn”.
Bà con nhân dân giúp Điện lực Bát Xát dựng lại cột điện bị đổ. Ảnh Nguyễn Hiền.
|
Chung sức
Ông Trần Xuân Bất, giám đốc Điện lực Bát Xát, chia sẻ: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở chúng ta rằng, sức mạnh của nhân dân là vô cùng to lớn. Sự đoàn kết, nhiệt tình của bà con nhân dân xã Trịnh Tường đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng và hiệu quả".
Những bàn tay chai sần, khuôn mặt rám nắng của công nhân Điện lực Bát Xát. Ảnh Nguyễn Hiền.
|
Không chỉ hỗ trợ về mặt sức lực, tấm lòng và sự chân thành của bà con xã Trịnh Tường đã để lại trong lòng đội ngũ thợ điện những ấn tượng sâu sắc. Những nụ cười, ánh mắt đầy hy vọng và lòng nhiệt tình của bà con chính là ngọn lửa sưởi ấm những người thợ điện trong những lúc khó khăn nhất.
Cơn bão Yagi đã qua đi, nhưng bài học về tinh thần đoàn kết, về sức mạnh của sự chung tay vượt khó khăn của bà con nhân dân xã Trịnh Tường và Điện lực Bát Xát vẫn còn đó. Chính sự đồng lòng ấy đã giúp khắc phục hậu quả thiên tai nhanh chóng, để ánh sáng lại được thắp lên trong từng nếp nhà, từng bản làng của vùng cao này.