“Vì lợi ích của cả miền Nam”
Ông Lâm Minh Đức, 72 tuổi, là người dân ấp 6, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP. HCM, trước đây đã sống ở ấp 12. Khi xây dựng đường dây 500 kV Bắc – Nam mạch 2, gia đình ông cũng là một trong những hộ dân thuộc diện di dời nên mới đến đây định cư.
Lần này xây dựng đường 500 kV mạch 3, ông không còn phải di chuyển nhà, nhưng có đất nông nghiệp nằm trong hành lang tuyến, nên được nhận hỗ trợ 328 triệu đồng.
Ông Đức bộc bạch: “Gia đình tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương của Nhà nước. Xây dựng đường dây này là vì lợi ích của cả miền Nam, tại sao lại gây khó dễ cho ngành Điện được?”
ĐD 500 kV mạch 3, hay ĐD 500 kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông đi qua xã Tân Thạnh Đông với chiều dài trên 4km. Ông Nguyễn Văn Nghĩa – Chủ tịch xã cho biết, để phục vụ cho việc xây dựng ĐD, 38 hộ dân đã di rời đến nơi ở mới, nhường đất thi công 26 trụ móng, đảm bảo đúng tiến độ của dự án.
Ngoài ra, phần hành lang tuyến của đường dây cũng ảnh hưởng đến 220 hộ dân khác do giảm giá trị sử dụng đất. Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã, sau khi được hệ thống chính trị địa phương, từ xã xuống ấp đến từng nhà tuyên truyền, vận động thì người dân đều hiểu rõ được tầm quan trọng của đường dây đối với việc cung cấp điện cho miền Nam, do đó công tác giải phóng mặt bằng diễn ra khá thuận lợi.
Sau đợt bàn giao mặt bằng thi công trụ móng, lãnh đạo xã cho biết sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền người dân giải phóng mặt bằng phục vụ kéo dây và quán triệt các hộ tuyệt đối không vi phạm hành lang tuyến.
Công nhân thi công trên công trường dự án đồng bộ ĐD 500 kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông - Ảnh: Hoàng Tuyết
|
Sẽ đảm bảo đúng tiến độ thi công
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện lực, ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (Ban AMT), thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, cho biết, ĐD 500 kV Pleiku – Mỹ Phước – Cầu Bông là dự án trọng điểm được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia làm chủ đầu tư, Ban AMT làm đơn vị trực tiếp quản lý dự án. Công trình sẽ đảm bảo điện ổn định cho miền Nam từ năm 2014 trở đi, đồng thời, tăng cường liên kết lưới điện truyền tải siêu cao áp trong nước và liên kết lưới kết lưới điện của 3 nước Đông Dương sau năm 2015. Vì vậy, sau khi được giao nhiệm vụ, Ban AMT đã khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện, chủ động bám sát cơ sở, hoàn thiện các cơ chế, thủ tục pháp lý liên quan.
Từ tháng 8/2011, Ban AMT đã đề xuất tổ chức các đoàn công tác cấp Tập đoàn đến làm việc với 6 tỉnh, thành phố gồm Gia Lai, Đăk Lăk, Đắc Nông, Bình Phước, Bình Dương và TP. HCM – nơi có đường dây đi qua. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ đề nghị các địa phương tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho Chủ đầu tư trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đáp ứng mục tiêu tiến độ của Dự án.
Giữa tháng 9/2011, Ban AMT đã đến 21 huyện, thị công bố về chủ trương xây dựng công trình trọng điểm cấp quốc gia, đồng thời thông báo về quy mô của công trình để người dân biết.
Tính đến thời điểm này, đơn vị đã hoàn thành kiểm kê 926/926 vị trí của toàn tuyến đường dây và đã bàn giao mặt bằng 918 vị trí cho đơn vị thi công. Hiện, vẫn còn 8 vị trí bị vướng, chưa bàn giao mặt bằng nằm tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước.
“Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định, giải phóng mặt bằng là một trong những khó khăn không thể tránh khỏi nên đã hết sức tranh thủ sự ủng hộ, chỉ đạo của Chính phủ, Tập đoàn, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đối với Dự án” – ông Tuyển nói.
Theo Giám đốc Ban AMT, sự chỉ đạo thông suốt từ trên xuống dưới và sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị các địa phương, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã đáp ứng được tiến độ đề ra.
Đối với các phần mặt bằng vướng mắc còn lại, Ban AMT sẽ cùng chính quyền địa phương đang nỗ lực phối hợp xử lý, giải quyết dứt điểm, quyết không để ảnh hưởng đến tiến độ chung.