Kiến nghị của khách hàng liên quan đến tiền điện sẽ giải quyết ngay trong 24 giờ

Đó là khẳng định của ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) khi trao đổi với phóng viên về các thông tin liên quan đến việc triển khai thực hiện giá điện mới cũng như hóa đơn tiền điện tháng đầu tiên sau ngày điều chỉnh giá điện.

Phóng viên (PV): EVNNPC đã thực hiện những giải pháp gì để triển khai hiệu quả Quyết định số 2256/QĐ–BCT của Bộ Công Thương về thực hiện giá điện mới từ ngày 16/3/2015, thưa ông?

Ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng giám đốc EVNNPC

Ông Hồ Mạnh Tuấn: Ngay sau khi quyết định về giá điện của Bộ Công Thương và hướng dẫn của EVN về việc triển khai thực hiện giá điện mới, EVNNPC đã chỉ đạo các công ty điện lực, các đơn vị có liên quan tập trung bố trí CBCNV thực hiện chốt chỉ số của toàn bộ công tơ đang vận hành trên lưới trong ngày 16/3/2015 (trừ các công tơ bán lẻ điện cho khách hàng sinh hoạt).

Việc chốt chỉ số của các công tơ ba giá, công tơ trạm chuyên dùng, công tơ tổng bán buôn điện phải có xác nhận của đại diện khách hàng hoặc người làm chứng (kể cả các khu vực hiện nay đang thực hiện ghi chỉ số bằng máy tính bảng, HHU).

Riêng các công tơ đọc được chỉ số chốt từ xa, các đơn vị thực hiện chốt chỉ số và nhắn tin, thông báo cho khách hàng chỉ số chốt khi đổi giá; tổ chức phúc tra chặt chẽ việc chốt chỉ số công tơ, đặc biệt là các khách hàng lớn, doanh nghiệp tư nhân và khu vực mới tiếp nhận; nghiêm cấm việc cố tình chốt chỉ số công tơ sai, thông đồng với khách hàng để hưởng chênh lệch giá...

Bên cạnh đó, EVNNPC cũng niêm yết công khai biểu giá bán điện mới tại các địa điểm giao dịch khách hàng của công ty điện lực/điện lực, trụ sở các chi nhánh của Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc và trên website của các đơn vị; chủ động tổ chức tuyên truyền rộng rãi về việc điều chỉnh giá điện trên các phương tiện truyền thông của địa phương, trên các website của đơn vị.

Đặc biệt, Tổng công ty yêu cầu các đơn vị khi tiếp nhận các ý kiến của khách hàng liên quan đến tiền điện phải khẩn trương tổ chức xác minh và giải thích, giải quyết đầy đủ cho khách hàng trong vòng 24h kể từ khi tiếp nhận thông tin. Các hóa đơn, giấy biên nhận thanh toán nếu sai, hỏng phải được sửa chữa kịp thời; quan tâm rà soát kỹ các hóa đơn của khách hàng có sự thay đổi trong tháng đổi giá như: Treo tháo định kỳ, thay đổi số hộ dùng chung, thay đổi biên bản tỷ lệ áp giá, thay đổi đối tượng áp giá...

PV: Nhiều khách hàng sử dụng điện sinh hoạt phản ánh không hiểu về cách tính giá điện mới. Cụ thể, hoá đơn tiền điện tháng 3/2015 thay vì giá điện sinh hoạt được tính 6 mức theo Quyết định số 2256/QĐ-BCT, thì được chia nhiều hơn 6 mức quy định, có thể là 8, 9, 10... Ông có thể giải thích về cách tính này?

Ông Hồ Mạnh Tuấn: Do số lượng khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt quá lớn, không thể chốt chỉ số công tơ vào cùng thời điểm điều chỉnh giá điện, nên tại Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014, Bộ Công Thương cho phép, trong trường hợp ngày ghi chỉ số công tơ không trùng với ngày điều chỉnh giá điện thì việc tính tiền điện cho giá điện sinh hoạt sử dụng phương pháp nội suy với các thông số sau:

a) Lượng điện thực tế khách hàng sử dụng trong kỳ ghi chỉ số;

b) Số ngày sử dụng điện thực tế (số ngày giữa hai kỳ ghi chỉ số, số ngày áp dụng giá cũ, số ngày áp dụng giá mới);

c) Mức sử dụng điện của từng bậc tính theo số ngày thực tế giữa hai kỳ ghi chỉ số.

Nguyên tắc tính nội suy cho khách hàng sinh hoạt cụ thể như sau:

- Sản lượng bình quân ngày của khách hàng sẽ bằng tổng điện năng tiêu thụ trong kỳ ghi chỉ số chia cho số ngày sử dụng điện thực tế.

- Điện năng tính theo giá cũ sẽ bằng sản lượng bình quân ngày nhân với số ngày sử dụng điện theo giá cũ. Số ngày sử dụng điện theo giá cũ tính từ ngay ghi chỉ số đến ngày đổi giá điện.

- Sản lượng điện năng tính theo giá mới bằng tổng điện năng trừ đi điện năng tính theo giá cũ.

- Điện năng của các bậc thang sẽ được tính theo định mức trong Thông tư giá điện chia cho số ngày của tháng đổi giá rồi nhân với số ngày sử đụng điện theo giá mới hoặc số ngày sử dụng điện theo giá cũ tương ứng. Chính vì vậy, khách hàng sẽ thấy nhiều bậc thang trên hóa đơn tiền điện.

Ví dụ: Khách hàng Nguyễn Văn A (định mức một hộ) có lượng điện năng tiêu thụ trong kì hóa đơn tháng 3 là 242 kWh (số ngày dùng điện trong tháng là 31 ngày): Số ngày hưởng giá cũ là 9 ngày (từ ngày 7/3 - 15/3), số ngày giá mới: 22 ngày (từ ngày 16/3 - 6/4). Như vậy, với khách hàng Nguyễn Văn A ở kỳ ra hóa đơn từ 7/3- 6/4 có đến 8 mức giá khác nhau: 4 mức giá tính theo giá điện cũ và 4 mức giá tính theo giá điện mới. Như vậy trên thực tế, cách tính giá điện sinh hoạt vẫn không vượt quá 6 bậc thang theo quy định.

PV: Tại một số địa phương, theo phản ánh của một số người dân, hóa đơn tiền điện tháng đầu tiên sau khi áp dụng khung giá mới tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với những tháng trước... Vậy trên địa bàn EVNNPC quản lý có gặp phải những trường hợp này? Nếu có, ông có thể lý giải nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng đột ngột?

Ông Hồ Mạnh Tuấn: Việc phát hành hóa đơn của các công ty điện lực trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố miền Bắc khá thuận lợi. Do có nhiều khách hàng sử dụng điện sinh hoạt ở bậc thang thấp nên ít chịu ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện.

Bên cạnh đó, các công ty điện lực đã thực sự sâu sát với khách hàng, làm tốt công tác tuyên truyền; xác minh, giải thích kịp thời nguyên nhân đối với những khách hàng có hóa đơn tiền điện tăng cao hoặc những khách hàng có kiến nghị về cách tính giá điện mới... Về cơ bản, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tiền điện khách hàng tăng đột biến thường là do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao. Sau khi được xác minh và giải thích kịp thời, khách hàng đã đồng thuận.

PV: Cám ơn ông!


  • 04/05/2015 09:44
  • Mai Phương
  • 4382


Gửi nhận xét