Theo Bộ Công Thương, cả nước có 1.237 dự án thủy điện (DATĐ) với tổng công suất 25.968,8 MW đã được quy hoạch. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt của các DATĐ nhỏ thời gian qua đã khiến các dự án này hiệu quả chưa cao.
Nguyên nhân của tình trạng này là sự bất cập về quy hoạch, quy chuẩn quốc gia về thủy điện hiện vẫn chưa được hoàn thiện... Các DATĐ nhỏ còn thiếu chặt chẽ trong phê duyệt cấp phép, chưa đánh giá đầy đủ các tác động đến môi trường và dân sinh ở khu vực hạ du.
Để khắc phục bất cập này, bên cạnh việc ban hành các văn bản pháp quy, chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện, yêu cầu đảm bảo có quy trình tích nước, xả lũ an toàn, xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai khi xảy ra sự cố... Bộ Công Thương đã phối hợp với bộ, ngành và các địa phương rà soát quy hoạch và tiến độ đầu tư xây dựng các DATĐ. Sau khi rà soát đã đề xuất loại bỏ 338 dự án (1.088,9 MW); không đưa vào quy hoạch 169 vị trí tiềm năng (362,5 MW).
Bộ Công Thương cho biết, tính đến cuối năm 2012 cả nước hiện còn 899 DATĐ (24.880 MW), trong đó, đã đi vào vận hành phát điện 260 dự án (13.694,2 MW); đang thi công xây dựng 211 dự án (6.712,6 MW) để đưa vào vận hành từ nay đến năm 2017; đang nghiên cứu đầu tư 266 dự án (3.410 MW); còn lại 162 dự án (1.063,2 MW) chưa có chủ trương đầu tư hoặc chưa có nhà đầu tư đăng ký thực hiện.
Đối với các dự án còn lại trong quy hoạch nhưng chưa khởi công xây dựng hoặc mới xây dựng ở giai đoạn đầu, Bộ Công Thương đang yêu cầu các tỉnh tiếp tục loại khỏi quy hoạch 67 dự án và 3 vị trí tiềm năng. Tạm dừng tới sau năm 2015 đối với 117 dự án. Điều chỉnh quy hoạch với 146 DATĐ nhỏ và 13 DATĐ bậc thang.
Theo ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ Thủy điện (Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương), quan điểm của Bộ Công Thương là không khuyến khích đầu tư các DATĐ nhỏ hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, kế hoạch phát triển thủy điện cần được xem xét thận trọng, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tác động của các DATĐ trước khi xây dựng.