Lời giải nào cho thủy điện vừa và nhỏ

Những khó khăn về vốn, thị trường, hệ thống chính sách… đang đặt chủ đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ trước những thách thức rất lớn. Làm thế nào để thủy điện vừa và nhỏ phát huy được hiệu quả?

Vai trò của thủy điện vừa và nhỏ

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hiện nay cả nước đã có trên 200 dự án thủy điện vừa và nhỏ và 30 công trình thủy điện lớn trên 100 MW với tổng công suất gần 10.000 MW, trong đó 40 - 50% đã được đưa vào khai thác. Tính riêng sản lượng điện năm 2011 của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ  là 7,845 tỉ kWh, chiếm 19% tổng lượng điện phát ra từ nguồn thủy điện, cung cấp 7% sản lượng điện toàn hệ thống. Điều này đã phản ánh phần nào sự ưu tiên cho phát triển các nguồn thuỷ điện, trong đó có thuỷ điện vừa và nhỏ theo Quy hoạch điện VII.

TS Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI cho biết, tiềm năng thuỷ điện vừa và nhỏ ở nước ta rất lớn. Thuỷ điện nhỏ không chỉ tạo thu nhập cho người dân, giải quyết nhu cầu năng lượng ở quy mô gia đình và cộng đồng nhỏ vùng trung du miền núi, mà còn góp phần bổ sung nguồn năng lượng thiếu hụt của đất nước. Ngoài ra, các nhà máy thủy điện nhỏ được xây dựng hầu hết ở vùng núi cũng đã góp phần bổ sung nguồn năng lượng cho các địa phương vùng sâu, vùng xa..

Phần lớn các công trình thủy điện vừa và nhỏ nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở - Ảnh: Trung Kiên

Chủ đầu tư gặp khó

Thực tế cho thấy, hầu hết các công trình thuỷ điện có hiệu quả kinh tế cao, có điều kiện thuận lợi đều được đầu tư xây dựng và đi vào vận hành ổn định. Số còn lại là những công trình hiệu quả thấp, các điều kiện về kinh tế kỹ thuật khó khăn, lại nằm  ở vùng sâu vùng xa, đi lại rất khó khăn.

Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai - Vũ Ngọc Cừ nhận định, đầu tư thuỷ điện vừa và nhỏ không hề đơn giản, bởi suất đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, phần lớn các công trình lại nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, kết cấu hạ tầng yếu kém, nên khi hoàn thành sẽ khó có đầu ra.

Ông Hà Sỹ Dinh – Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Năng lượng Sơn Vũ cho biết, khó khăn nhất là thu xếp vốn cho dự án. Quy định các tổ chức tín dụng chỉ cho vay tối đa 70% (trước thuế và lãi vay) phần còn lại là vốn tự có của doanh nghiệp. Với dự án thủy điện công suất xấp xỉ 30 MW, tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, thì chủ đầu tư phải có tối thiểu 300 tỷ đồng. Ngoài ra, còn phải có tài sản thế chấp (ngoài dự án) với giá trị ít nhất bằng 10% giá trị vốn vay. Như vậy, tổng cộng doanh nghiệp phải huy động bằng tiền mặt và tài sản tương ứng tối thiểu 40% tổng mức đầu tư. Đây thực sự  là khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cần sự hỗ trợ

Cũng theo ông Dinh, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên cho phát triển thủy điện vừa và nhỏ thông qua cơ chế khuyến khích đầu tư, hỗ trợ, về tài chính như ân hạn thời gian trả gốc cho các dự án để lấy nguồn kinh phí duy trì và phát triển các hoạt động của doanh nghiệp; giảm lãi suất tại các tổ chức tín dụng, có chính sách miễn giảm thuế, gia hạn thời gian trả nợ thuế cho các doanh nghiệp thủy điện.

TS. Lê Trường Thủy - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc CTCP Thủy điện Mai Châu (Hòa Bình) - Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Thủy điện Việt Nam cho rằng, khi thị trường phát điện cạnh tranh chính thức đi vào hoạt động, Cục Điều tiết Điện lực đã ban hành danh sách 29 nhà máy điện được tham gia trực tiếp vào thị trường, 26 nhà máy khác tham gia gián tiếp và 18 nhà máy tham gia  gián tiếp tạm thời cùng hàng chục nhà máy khác trong danh sách chờ tham gia. Tuy nhiên tất cả các nhà máy chào giá phải có công suất trên 30 MW, nghĩa là các nhà máy thủy điện nhỏ chưa có cơ hội tham gia...

PGS.TS Đàm Xuân Hiệp - Tổng thư ký Hội Điện lực: Để có nguồn vốn cho đầu tư phát triển điện chỉ còn cách tăng giá điện

Nguồn vốn cho phát triển ngành Điện có thể huy động theo những cách chủ yếu như: Tự tích lũy từ ngành Điện gồm từ lợi nhuận do bán điện và khấu hao; vay vốn trong và ngoài nước từ các ngân hàng hoặc từ phát hành trái phiếu; đầu tư tư nhân dưới dạng BOT, TPP… hoặc phát hành cổ phiếu (trên cơ sở cổ phần hóa); Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Thực tế cả 3 cách trên đều đã và đang được áp dụng, nhưng ngành Điện vẫn thiếu vốn. Có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do giá điện ở nước ta còn thấp. Cũng vì giá thấp, nên thời gian trả nợ (vay vốn ngân hàng) thường phải kéo dài. Do đó, nhiều ngân hàng khó có thể chấp nhận. Chưa kể hiện nay hầu hết các ngân hàng Việt Nam còn yếu về lực, trong khi các ngân hàng nước ngoài gần như chưa vào cuộc...

 

 

Ông Hoàng Minh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai Cần cơ chế khuyến khích

Đầu tư một nhà máy thủy điện có liên quan tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đơn cử, việc xin cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện, thẩm quyền của UBND tỉnh chỉ được cấp phép cho những nhà máy thủy điện công suất dưới 2 MW, còn từ 2 MW trở lên thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Suất đầu tư nhà máy thủy điện rất lớn, trung bình khoảng 30 tỉ đồng/1 MW. Trước đây, điều kiện vay vốn cho dự án thủy điện còn dễ và lãi suất thấp.  Đến nay, lãi suất cao, ngân hàng thắt chặt tín dụng, doanh nghiệp không có vốn để đầu tư tiếp, dẫn đến dự án dở dang, không triển khai được. Ngoài ra, khi xây dựng xong, đưa được điện lên lưới cũng rất khó khăn. Bởi các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao - nơi mà hệ thống truyền tải điện chưa đáp ứng nhu cầu đấu nối. Nhiều huyện vùng cao chưa có đường dây 110 kV, điểm đấu nối có nơi xa tới cả trăm km nên đường dây không tải được. Đề nghị Chính phủ có những cơ chế đặc thù cho các dự án sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó có thủy điện được vay vốn dễ dàng hơn.


  • 21/08/2012 09:36
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 7332


Gửi nhận xét