Ngân hàng Thế giới khuyến nghị về giá điện tại Việt Nam

“Tăng giá điện là yêu cầu bắt buộc và cần thực hiện sớm nhất có thể để cải thiện tình hình tài chính của ngành Điện Việt Nam đang tiếp tục quay về tình trạng thua lỗ và quan trọng hơn là để thu hút được đầu tư, đáp ứng nhu cầu phụ tải dự báo tăng mạnh trong thời gian tới”, đó là những khuyến nghị mà Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra.

Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam vừa có buổi thuyết trình Dự thảo Báo cáo cuối cùng về Xây dựng kế hoạch cải thiện tình hình tài chính cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên. Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì buổi làm việc. Tham dự  buổi làm việc còn có lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và ngành Điện.

Không thu hút được đầu tư cho nguồn điện nếu giá điện không phù hợp

Với mục tiêu là xây dựng kế hoạch tái cơ cấu tài chính cho EVN và ngành Năng lượng Việt Nam, Dự án nghiên cứu độc lập bởi các chuyên gia quốc tế cũng chỉ ra các thách thức đan xen trong vòng 3 - 10 năm tới của ngành Điện mà trọng tâm là các nhu cầu đầu tư.

Sau khi đạt mức tăng trưởng bình quân lên tới 14,3% trong giai đoạn 2006 - 2010, có giảm xuống trong những năm qua, nhưng nhu cầu điện năng của Việt Nam sẽ vẫn cao (dự kiến là 12% trong giai đoạn 2015 - 2020).

Với mức tăng trưởng đó, tổng vốn đầu tư cho các dự án điện sẽ vào khoảng 7,5 tỷ USD/năm, lớn hơn nhiều so với mức đầu tư những năm gần đây (2,5-2,6 tỷ USD). Theo tính toán, 70% số vốn này phụ thuộc vào khu vực tư nhân thông qua các dự án IPP (nhà máy điện độc lập).

Theo WB, với giá điện thấp như hiện nay, Việt Nam khó có thể thu hút được đầu tư cho các dự án nguồn điện - Ảnh: X.Tiến

Tuy nhiên, việc giá điện đã không tăng từ tháng 6/2013 và biểu giá điện hiện đang dưới giá thành khiến mục tiêu nói trên “không thể đạt được, nếu không có biểu giá mới phù hợp”, Báo cáo của WB nhìn nhận. Các nhà đầu tư tư nhân chỉ đầu tư vào các dự án phát điện nếu giá điện phản ánh chi phí và bao gồm cả các yếu tố như chênh lệch tỷ giá, giá nhiên liệu, điều kiện thủy văn,…

Giá điện cũng sẽ là “nút thắt” quan trọng cần tháo gỡ để cải thiện tình hình tài chính của EVN. Chỉ trừ năm 2012 (do nhiều mưa đã tạo điều kiện rất tốt cho các nhà máy thủy điện hoạt động, giá điện tăng, tiến hành đánh giá lại tài sản và giảm lỗ tỷ giá), hiện tại, EVN vẫn đang khó khăn trước những thách thức, rủi ro chính là thủy văn, chênh lệch tỷ giá, quản lý nợ, khả năng thu hút vốn tư nhân, phản ứng từ khách hàng và quản trị DN.

Các phân tích của Báo cáo khuyến nghị từ nay đến nửa cuối năm 2016, cần thiết phải tăng giá bán điện lên mức cao nhất có thể trong khung 10% theo Quy định tại Quyết định 2165/QĐ-TTg cho mỗi chu kỳ 6 tháng.

“Sau đó, nhu cầu về việc tăng giá sẽ giảm xuống và biểu giá điện cần được điều chỉnh ở mức thấp hơn tỷ lệ lạm phát dự kiến”, theo Báo cáo của WB.

Đánh giá kỹ tác động của việc tăng giá

Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, WB cũng bổ sung đánh giá tác động của việc tăng giá với các biện pháp được cho là khả thi khi thực hiện và người sử dụng điện dễ chấp thuận hơn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia đã xem xét các khả năng cải thiện tình trạng của EVN thông qua cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động. Kết luận đưa ra là dù còn nhiều biện pháp để thực hiện, như xử lý các tài sản không thiết yếu, cắt giảm lao động, cải tạo các nhà máy điện cũ và tăng năng suất lao động, nhưng các biện pháp này “không đủ để giải quyết các thách thức về tài chính của EVN”.

Vì các thách thức này trải rộng ở cả 6 lĩnh vực rủi ro chính là thủy văn, chênh lệch tỷ giá, quản lý nợ, khả năng thu hút vốn tư nhân, phản ứng từ khách hàng và quản trị DN. Các rủi ro này cần những biện pháp riêng biệt, như lập quỹ bình ổn khoảng 2% doanh thu/năm, tăng phần vay nội địa vào bảo hiểm rủi ro trong các thị trường nội địa để giảm lỗ trong chênh lệch tỷ giá khi phải xây dựng nhà máy, hệ thống truyền tải bằng ngoại tệ và thu tiền điện bằng VND.

Trong phần thu hút vốn đầu tư, đổi mới quản trị DN, WB cũng đưa ra hàng loạt các phân tích, biện pháp trước mắt cũng như trong trung và dài hạn để đảm bảo hiệu quả thu hút đầu tư cũng như vận hành hệ thống, tổ chức sản xuất kinh doanh.


  • 19/01/2015 09:03
  • Theo Chinhphu.vn
  • 3074


Gửi nhận xét