Nhật Bản nỗ lực khôi phục nền công nghiệp điện hạt nhân

Với việc tái khởi động hai lò phản ứng số 3 và 4 của Nhà máy Điện hạt nhân Oi, Chính phủ Nhật Bản đã tiến một bước quan trọng trong việc khôi phục lại nền công nghiệp điện hạt nhân - nguồn năng lượng đã từng cung cấp khoảng 30% tổng sản lượng điện của đất nước này.

Lò phản ứng số 3 và số 4 của Nhà máy điện hạt nhân Oi, tỉnh Fukui, phía Tây Nhật Bản

Đây là 2 lò phản ứng thương mại đầu tiên được hoạt động trở lại, trong tổng số 54 lò phản ứng tại Nhật Bản bị đóng cửa từ tháng 5/2012. Trước đó, vào tháng 3/2011 đã xảy ra sự cố tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukuishima, buộc 4 lò phản ứng phải đóng cửa hoàn toàn. Sau đó một thời gian ngắn, Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu tất cả các nhà máy điện hạt nhân phải ngừng hoạt động và thực hiện tổng kiểm tra an toàn.

Ông Nobuaki Sato – Giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế, Trung tâm Thông tin Điện lực Nhật Bản cho biết: “Trong 50 tổ máy bị ngừng hoạt động, trước mắt chỉ có 2 tổ máy Oi của Công ty Điện lực Kansai đảm bảo được yêu cầu an toàn. Đồng thời, quyết định tái khởi động 2 tổ máy này của Chính phủ Nhật Bản còn nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho khu vực”.

Ngày 19/9/2012, Ủy ban Năng lượng hạt nhân của Nhật Bản được thành lập, có vai trò kiểm tra mức độ an toàn của 48 tổ máy còn lại. Ủy viên trưởng, Chủ tịch Ủy ban cho biết, mặc dù đã có các bản báo cáo về 48 tổ máy, song Ủy ban sẽ xây dựng một bản dự thảo an toàn mới và căn cứ theo tiêu chuẩn an toàn đó để xem xét có hay không đưa các tổ máy hoạt động trở lại.

“Việc tái khởi động Nhà máy Điện hạt nhân Oi là bước tiến đầu tiên trong nỗ lực khôi phục lại ngành công nghiệp điện hạt nhân của Chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, rất khó để nói sẽ có bao nhiêu tổ máy được hoạt động trở lại trong thời gian tới, do phụ thuộc vào tiêu chuẩn an toàn mới của Ủy ban Năng lượng hạt nhân Nhật Bản, sự cho phép của Chính phủ và đồng thuận của người dân”, ông Nobuaki Sato khẳng định.

Bên cạnh việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân, Chính phủ Nhật Bản còn đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ tăng sản lượng điện từ năng lượng tái tạo lên 21% trong tổng sản lượng điện của cả nước (tăng 9% so với năm 2008). Tuy nhiên, mục tiêu này còn khá xa. Trên thực tế, sau khi xảy ra sự cố vào tháng 3/2011, mùa đông năm 2011, sản lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch của Nhật Bản đã tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2010, tiêu thụ dầu thô tăng gần gấp ba, sử dụng khí thiên nhiên tăng 34%.

Điều đó cho thấy tầm quan trọng của điện hạt nhân đối với Nhật Bản. “Xã hội Nhật Bản sẽ không thể duy trì khi các lò phản ứng điện hạt nhân vẫn đang ngừng hoạt động như hiện nay. Vì vậy, tiếp theo Nhà máy Điện hạt nhân Oi, Chính phủ sẽ xem xét việc tái khởi động các lò phản ứng khác sau khi được kiểm tra an toàn”, Thủ tướng Nhật Bản Noda khẳng định trong một cuộc họp báo vào tháng 6/2012.


  • 13/11/2012 02:03
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 3757


Gửi nhận xét