Phát triển lưới điện truyền tải: Phải đi trước một bước

Được xây dựng từ những năm 1960, đến nay, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng lưới điện truyền tải của Việt Nam vẫn không ngừng phát triển với hàng vạn km đường dây và hàng trăm trạm biến áp có công nghệ và thiết bị hiện đại.

Lưới điện truyền tải của Việt Nam không ngừng phát triển   Ảnh: Vũ Lam

Dấu ấn thời gian

Lưới điện truyền tải là “xương sống” của hệ thống điện quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện ổn định, an toàn phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sự kiện đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc- Nam được đưa vào vận hành ngày 27/5/1994 là mốc son lịch sử, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống điện Việt Nam nói chung và lưới điện truyền tải nói riêng. Các công ty truyền tải điện thực sự có chuyển biến về chất lượng, trình độ kỹ thuật và quản lý vận hành do được tiếp cận với công nghệ truyền tải điện siêu cao áp 500 kV.

Năm 2007, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 – 2015 có xét đến năm 2025 được phê duyệt. Theo đó, lưới điện truyền tải được định hướng phát triển đồng bộ với nguồn điện. Trong giai đoạn này, sẽ có khoảng 20.000 MVA tổng dung lượng máy biến áp 500 kV, 50.000 MVA tổng dung lượng máy biến áp 220 kV, 5.200 km đường dây 500 kV và 14.000 km đường dây 220 kV được xây dựng và đưa vào vận hành.

Ngày 1/7/2008, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) được thành lập trên cơ sở tổ chức lại 4 Công ty Truyền tải điện 1,2,3,4 và 3 Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, Trung, Nam theo lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện tại Việt Nam. Từ đây, công tác đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện được quy về một mối. Công nghệ đường dây nhiều mạch, nhiều cấp điện áp, cáp ngầm cao áp 220 kV, trạm GIS 220 kV, thiết bị SVC 110 kV, tụ bù dọc 500 kV, hệ thống điều khiển tích hợp bằng máy tính và nhiều công nghệ truyền tải điện tiên tiến trên thế giới đã và đang được áp dụng rộng rãi. Lưới điện truyền tải quốc gia cơ bản đáp ứng được yêu cầu truyền tải điện năng từ các nhà máy điện cho các phụ tải, đảm bảo cấp điện phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, giảm tổn thất điện năng.

Lưới điện truyền tải phải đi trước một bước

Khó khăn lớn nhất của lưới điện truyền tải quốc gia hiện nay là chưa có khả năng dự phòng. Các đường dây truyền tải 500 kV Bắc – Nam và các đường dây 220 kV nhiều khi phải vận hành trong tình trạng quá tải, dẫn đến tăng tổn thất điện năng và tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố trên hệ thống lưới điện

Với mục tiêu, lưới điện truyền tải phải đi trước một bước, trong năm 2011, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia phấn đấu sản lượng truyền tải đạt 93 – 95 tỷ kWh, năm 2015 đạt 160 – 180 tỷ kWh (tăng gấp đôi so với năm 2010), tổn thất điện năng ở mức 2,5-3%, giảm thiểu sự cố trên lưới điện. Hiện, NPT đang đầu tư đồng bộ các công trình đấu nối nguồn điện vào hệ thống điện quốc gia và các công trình 220 – 500 kV nhằm truyền tải công suất và điện năng từ hệ thống điện quốc gia cho lưới điện phân phối một cách hợp lý và hiệu quả; đồng thời, nâng cao độ tin cậy của lưới điện truyền tải tại các khu vực trọng điểm và phối hợp đấu nối lưới điện truyền tải khu vực tiểu vùng sông Mêkông để tăng cường trao đổi điện năng.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, NPT đang kiến nghị nhiều giải pháp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan hữu quan như: Đề nghị được vay lại các khoản vay ODA với lãi suất bằng lãi suất của nước ngoài cho Chính phủ Việt Nam vay, tạo điều kiện cho NPT được làm việc với các cơ quan chức năng để thống nhất lộ trình tới năm 2015 đảm bảo các điều kiện vay vốn như, tỷ lệ đầu tư 25%, tỷ lệ thanh toán nợ 1,5 lần, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu 70/30

Về thuế sử dụng đất: NPT đề nghị được miễn thuế sử dụng đất khi xây dựng các công trình lưới điện truyền tải, đồng thời được phép điều chuyển chủ đầu tư các dự án vay vốn ODA từ EVN sang cho NPT.

Đối với các địa phương có các công trình của NPT: Các cơ quan chức năng cần nỗ lực phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho việc thi công công trình, đảm bảo tiến độ các công trình lưới điện truyền tải quốc gia.

Tin rằng, với sự quan tâm sâu sát của EVN, sự nỗ lực của NPT và các đơn vị thành viên, lưới điện truyền tải quốc gia sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đảm bảo “đi trước một bước” để đưa nguồn điện năng đến mọi miền đất nước một cách an toàn, liên tục.

* Từ năm 1999 – 2010:

- Chiều dài đường dây 500 kV: 1.528 km – 4.243 km

- Chiều dài đường dây 220 kV: 2.830 km – 9.870 km

- Dung lượng máy biến áp 500 kV: 2.700 MVA – 11.550 MVA

- Dung lượng máy biến áp 220 kV: 5.975 MVA – 21.039 MVA

* Từ năm 2008 – 2010:

- Số lượng trạm biến áp 500 kV: 11 TBA – 16 TBA

- Số lượng trạm biến áp 220 kV: 54 TBA – 62 TBA

* Tính đến tháng 6/2011: NPT đang quản lý vận hành:

- 16 Trạm biến áp 500 kV dung lượng 12.000 MVA;

- 63 TBA 220 kV dung lượng 21.601 MVA;

- 4.323 km đường dây 500 kV.

- 10.040 km đường dây 220 kV.

 


  • 28/09/2011 02:43
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Quản lý và hội nhập
  • 5759


Gửi nhận xét