Tỷ lệ TTĐN tăng cao có trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc EVNCPC Nguyễn Thành, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo giảm TTĐN cho biết: năm 2014, thực hiện TTĐN của Tổng công ty và các đơn vị không ổn định qua các tháng và có sự thay đổi rất lớn. Tổn thất tháng thấp nhất của Tổng công ty là 1,7% (tháng 9), cao nhất là 16,26% (tháng 3), chênh lệch đến 14,92%. Tổn thất hàng tháng của các công ty Điện lực có cùng điều kiện địa hình, khí hậu như nhau nhưng sự biến động khác nhau.
Về nguyên nhân TTĐN cao, theo ông Nguyễn Thành, miền Trung năm nay mùa khô đến sớm và kéo dài, nắng nóng cục bộ làm cho phụ tải biến động bất thường trong các tháng mùa hè, ảnh hưởng do cắt điện thực hiện công trình di dời lưới điện phục vụ giải phóng mặt bằng để mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh; cắt điện phục vụ thi công đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông… làm thay đổi phương thức kết dây cơ bản của một số tuyến đường dây trung áp.
Ngoài ra còn có yếu tố chủ quan trong công tác quản lý như: Một số đơn vị chưa sâu sát để số trạm công cộng có tỉ lệ TTĐN cao trên 15%, các TBA phụ tải mất cân bằng pha khắc phục chậm... Trong công tác này có trách nhiệm cá nhân của các đồng chí giám đốc, ban giám đốc và tập thể đơn vị chưa thật sự quan tâm chỉ đạo và thực hiện - Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thành nhấn mạnh.
Năm 2014, mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt từ Tổng công ty và nỗ lực lớn của các đơn vị, Tổng công ty đã thực hiện vượt chỉ tiêu TTĐN theo kế hoạch EVN giao, đạt 6,51%, giảm 0,09% so với kế hoạch là (6,6%). Mặc dù Tổng công ty hoàn thành kế hoạch được giao, tuy nhiên quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, liên tục trong 10 tháng đầu năm TTĐN của Tổng công ty luôn cao hơn so với cùng kỳ và so với kế hoạch.
Chủ tịch, Tổng giám đốc EVNCPC Trần Đình Nhân yêu cầu lãnh đạo các đơn vị trực thuộc quyết liệt thực hiện giảm tổn thất điện năng trong năm 2015 - Ảnh: Ngọc Thạch
|
Quyết liệt các giải pháp
Xác định công tác giảm TTĐN là vấn đề “nóng”, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVNCPC Trần Đình Nhân yêu cầu: Các đơn vị phải tập trung cao, trao đổi, bàn bạc thẳng thắn để tìm ra các giải pháp giảm tổn thất sao cho đạt được kế hoạch EVN giao cho Tổng công ty năm 2015 là 6,3%, năm 2016 là 5,83%, năm 2017 là 5,38… đến năm 2020 xuống còn 4,3%.
Ông Nhân cho rằng, nếu không thật sự quan tâm chỉ đạo thì TTĐN tại các đơn vị và của Tổng công ty sẽ không đạt kế hoạch. Vì vậy, trong thực hiện giảm TTĐN, sẽ có “cứng” và có “mềm”, cứng ở đây là đường dây, là trạm chưa đầu tư hay thế được thì có thể phải tạm chấp nhận, còn mềm là làm được ngay, vừa nhanh lại ít tốn kém, đó là chống ăn cắp điện, sai sót trong đo đếm, tăng cường công tác quản lý điều hành.
Ông Nhân chỉ rõ, tại Điện lực Đăk Hà (PC Kon Tum) và Điện lực Phú Hòa (PC Phú Yên), so sánh tỷ lệ tổn thất tương đương nhau (khoảng 12%), trong khi tổn thất lưới trung thế của Đăk Hà là 8%, của Tuy Hòa là 2%. Hay tại PC Phú Yên, trong 5 năm (2010 – 2014), Tổng công ty đầu tư khoảng 170 tỷ đồng xây dựng, cải tạo hệ thống điện, nhưng tổn thất qua các năm đều tăng. Năm 2014 so với năm 2010 tăng 1,62%. Trong khi đó, tại Quảng Nam, số vốn đầu tư thấp hơn Phú Yên mà tổn thất năm 2014 so với năm 2010 giảm 2,12%. Rõ ràng ở đây, lãnh đạo đơn vị chưa có sự quyết tâm, chưa làm hết trách nhiệm.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVNCPC Trần Đình Nhân khẳng định, năm 2015, không để tồn tại các TBA có tổn thất lớn trên 10%; đơn vị nào chậm lắp đặt công tơ điện tử thì tăng cường lắp đặt, kiểm soát chặt thông số vận hành; tăng cường quản lý hệ thống đo đếm, không để tồn tại tình trạng thiếu niêm chì. Các đơn vị cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra giám sát mua bán điện, cần có chế tài đối với lãnh đạo đơn vị, nếu không thực hiện hoàn thành công tác giảm TTĐN thì xem như không hoàn thành nhiệm vụ, thu nhập của giám đốc công ty điện lực, giám đốc điện lực vì vậy có thể sẽ tăng hoặc ngược lại…