EVN luôn gặp khó khăn trong việc huy động vốn cho các dự án điện - Ảnh: Vũ Lam
|
Để đảm bảo mục tiêu đầu tư, EVN đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011 – 2015. Theo đó, tổng nhu cầu đầu tư trong giai đoạn 2011 – 2015 của toàn Tập đoàn là 501.470 tỷ đồng (bình quân trên 100.000 tỷ đồng/năm). Thực tế thực hiện trong 3 năm 2011 – 2013, tổng giá trị khối lượng đầu tư xây dựng của EVN đạt 236.664 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đạt 227.379 tỷ đồng, không để xảy ra tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
EVN đang từng bước thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, trong đó đã thành lập 3 tổng công ty phát điện và đang trong giai đoạn chuẩn bị tiến hành cổ phần hóa. Đến năm 2017, hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh, theo đó 5 tổng công ty phân phối sẽ mua điện trực tiếp từ các nhà máy và thuê đường dây của EVN. Đến năm 2022, hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Thực tế, ngành Điện là ngành kinh doanh nhưng đang phải thực hiện các chính sách xã hội quá lớn. Thời gian qua, EVN đã đầu tư hàng loạt các dự án đưa điện lưới quốc gia ra các đảo Cô Tô, Phú Quốc, Lý Sơn với chi phí đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng phục vụ chủ yếu cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Các dự án này đều vì mục tiêu chính trị xã hội. Trong khi đó, đầu tư điện là một ngành đầu tư rất lớn và dài hạn nhưng EVN chủ yếu tự huy động vốn vay trong nước và nước ngoài, rủi ro rất lớn. Vì vậy, nếu không có cơ chế đặc biệt thì sau khi tái cơ cấu, việc huy động vốn cho các dự án điện vẫn tiếp tục khó khăn.