Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải: “Xây dựng công trình Thuỷ điện Sơn La với tinh thần khẩn trương, chất lượng, nhưng phải an toàn tuyệt đối”

Với quy mô, công suất, vốn đầu tư và di dân tái định cư lớn nhất nước ta từ trước tới nay, Dự án xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Sơn La (TĐSL) (công suất 2.400 MW, xây dựng trên tuyến PaVinh II, xã Ít Oong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) ngay từ khi quy hoạch đã được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, xác định là công trình trọng điểm quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải trong suốt thời gian từ lúc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi cho đến khi phê duyệt đầu tư đã rất thận trọng trong từng bước chỉ đạo các công tác triển khai.

“Xây dựng công trình TĐSL với tinh thần khẩn trương, chất lượng, nhưng phải an toàn tuyệt đối…” là yêu cầu đầu tiên mà Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đặt ra cho công tác thiết kế cũng như thi công công trình. Với tiêu chí trên, xuyên suốt toàn bộ quá trình chỉ đạo của Chính phủ ở mọi khía cạnh đều toát lên tinh thần: Tất cả vì mục tiêu an toàn và chất lượng. Chính phủ đã yêu cầu Tổng công ty Điện lực Việt Nam nghiên cứu kỹ, lập nhiều phương án thiết kế để so sánh, lựa chọn một phương án tối ưu nhất hội tụ đủ các điều kiện: Hiệu quả kinh tế, khả năng chống lũ và đặc biệt là đảm bảo an toàn không chỉ cho công trình mà cho sinh mạng của toàn bộ nhân dân vùng hạ du, trong đó có Thủ đô Hà Nội - “trái tim” của cả nước. Hai cuộc họp lớn đã được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải trực tiếp chủ trì và chỉ đạo với nội dung xem xét quy mô, hiệu quả Dự án cũng như những vấn đề liên quan đến an toàn như kết cấu địa chất nơi xây dựng công trình; khả năng chịu động đất lớn, khả năng chịu lũ với lưu lượng và tần suất cao… Đồng thời, Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước, thành phần gồm các nhà khoa học trong các lĩnh vực: Địa chất, chống động đất, thuỷ văn, điện lực, kết cấu công trình thuỷ điện, kinh tế, môi trường, văn hoá xã hội... và mời một số công ty tư vấn nước ngoài nổi tiếng trong lĩnh vực thuỷ điện, có nhiều kinh nghiệm thiết kế, xây dựng các đập thuỷ điện lớn trên thế giới.

Thuộc loại nguồn năng lượng tái tạo, nguồn thuỷ năng được đánh giá là vô hạn, không bị cạn kiệt như than, dầu hay khí, lại đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường khi phát điện. Chính vì vậy, những năm qua, Chính phủ đã rất quan tâm tới việc phát triển các nguồn thuỷ năng, cho phép xây dựng hàng loạt các quy hoạch hệ thống thuỷ điện trên toàn quốc. Trong số 9 dòng sông lớn nhất Việt Nam đã xây dựng quy hoạch khai thác thuỷ điện, đến thời điểm này về cơ bản phần lớn các dự án thuỷ điện quan trọng đều đã và đang được triển khai xây dựng. Theo tính toán, toàn bộ các dự án trong quy hoạch sau khi hoàn thành sẽ tạo ra sản lượng điện năng khoảng 60 – 70 tỷ kWh/năm, tiết kiệm tương đương 30 triệu tấn than/năm. Riêng với Dự án Nhà máy Thuỷ điện Sơn La – Dự án thuỷ điện lớn nhất Việt Nam hiện nay, ngoài việc cung cấp 10,2 tỷ kWh điện/năm sẽ cùng với các hồ chứa trên sông Đà tăng tổng dung tích phòng lũ lên 7 tỷ m3 nước, tăng khả năng chống lũ tần suất từ 125 năm hiện nay lên 500 năm, đồng thời kết hợp với Thuỷ điện Hoà Bình điều tiết nước cho hơn 20 triệu dân đồng bằng sông Hồng. Dự án đa mục tiêu quan trọng bậc nhất này sẽ thúc đẩy sự phát triển toàn bộ các hoạt động kinh tế – xã hội, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông đường bộ, đường thuỷ... không chỉ cho nhân dân các vùng Tây Bắc mà còn tác động tới cả khu vực hạ du Bắc Bộ.

Thủ tướng CP Phan Văn Khải xem xét Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án TĐSL tại khu vực xây dựng Nhà máy  Ảnh: Thế Thuần (TTXVN)

Trong suốt 4 năm (từ 1998 - 2002), Hội đồng thẩm định đã nghiên cứu, xem xét Dự án và cuối cùng BCNCKT phương án Sơn La thấp (mực nước dâng 215m) đã được Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XI thông qua do đảm bảo tất cả các tiêu chí về an toàn. Điều này càng khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương của Quốc hội cũng như sự quyết đoán trong chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Không thể không trăn trở trước một dự án đặc biệt quan trọng liên quan tới những thay đổi về kinh tế, xã hội của cả vùng Tây Bắc, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng chục ngàn người dân, quyết định đến sự an nguy của cả một vùng hạ du Bắc Bộ rộng lớn, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thân chinh đi quan sát dọc dòng sông Đà - khu vực dự kiến sẽ là lòng hồ và nơi xây dựng công trình để khảo sát tình hình mật độ dân cư, mức độ ảnh hưởng đến ruộng nương, kiểm tra kết cấu địa chất, địa hình,… trước khi ký Quyết định phê duyệt đầu tư Dự án (số 92/QĐ-TTg ngày 15/1/2004). Đồng thời, ngay khi Dự án được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về công trình TĐSL (Quyết định số 09/QĐ-TTg) và phân công Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo với vai trò quan trọng và tinh thần tích cực, khẩn trương, gần 2 năm qua đã thực hiện tốt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao là chỉ đạo, kiểm tra các công tác thực hiện Dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn và hiệu quả kinh tế theo đúng Nghị quyết Quốc hội đề ra. Đặc biệt, công tác di dân tái định cư được Chính phủ đánh giá là một Dự án quan trọng không kém việc xây dựng công trình. Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng, đưa vào thử nghiệm các dự án di dân tái định cư sao cho phù hợp, ổn định và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân các vùng phải di dời.

Được biết, thời gian tới, sau khi công trình được khởi công và ngăn sông đợt 1, Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục thay mặt Chính phủ chỉ đạo công tác triển khai xây dựng trên công trường với mục tiêu an toàn, chất lượng làm đầu; chỉ đạo và kiểm tra thường xuyên công tác thực hiện di dân tái định cư nhằm đảm bảo cuộc sống người dân sau khi di dời sẽ tốt hơn nơi ở cũ theo đúng yêu cầu Quốc hội đặt ra; đặc biệt bằng mọi nỗ lực chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành Dự án trước thời hạn để kịp thời phát điện phục vụ phát triển kinh tế Đất nước.


  • 01/11/2005 03:02
  • Theo Tạp chí Điện lực số 11 tháng 11 năm 2005
  • 2662


Gửi nhận xét