Từ trung tâm thành phố Huế ngược Quốc lộ 49 chừng 70 km, đi giữa mênh mông của núi rừng với những đèo cao, vực sâu và những góc cua hiểm trở, trong đó có đèo Kim Quy dài 16 km để đến với công trình Thuỷ điện A Lưới- nơi có hàng ngàn công nhân và hàng trăm máy móc thiết bị của các đơn vị thi công đang hối hả ngày đêm làm việc hết mình, chạy đua với thời gian để hoàn thành công trình đúng tiến độ.
Đưa công trình về đích đúng tiến độ
Hơn 4 năm kể từ ngày khởi công Thuỷ điện A Lưới, tôi mới có dịp quay lại mảnh đất phía Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế. Giữa núi rừng xanh thẳm là Nhà máy Thuỷ điện A Lưới, công trình thuỷ điện lớn nhất Tỉnh đang trong giai đoạn hoàn thiện. Những công trình hạ tầng theo đó cũng dần dần được hình thành, những tuyến đường liên xã đã được trải nhựa, khu tái định cư cho đồng bào sắp hoàn thành, trường học, trạm xá cũng được khoác lên mình những mái ngói đỏ tươi, tất cả đã góp phần tạo nên một thị trấn A Lưới sầm uất giữa chốn núi rừng.
Được xây dựng trên sông A Sáp, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vỹ, Thuỷ điện A Lưới có diện tích lưu vực 331 km2, dung tích toàn bộ hồ chứa 60,2 triệu m3. Công trình gồm 2 tổ máy với tổng công suất 170MW, sản lượng điện sản xuất trung bình là 686,5 triệu kWh/năm, tổng mức đầu tư là 3.234,7 tỉ đồng. Trong quá trình xây dựng, các đơn vị thi công cũng gặp nhiều khó khăn như: Biến động giá cả của nhiên nguyên vật liệu đầu vào cuối năm 2007, đầu năm 2008 và năm nước rút 2011 đã phần nào đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công, nhưng với quyết tâm nỗ lực và nhiều giải pháp quyết liệt trong điều hành, Công ty Cổ phần Thuỷ điện miền Trung (EVNCHP) chủ đầu tư đã cùng với các nhà thầu khắc phục khó khăn để đưa công trình về đích đúng tiến độ.
|
Tiến độ thi công của Nhà máy Thủy điện A Lưới vẫn được đảm bảo - Ảnh: Phương Anh |
Ông Lê Quý Anh Tuấn- Phó Tổng giám đốc EVNCHP, phụ trách điều hành Ban Chuẩn bị sản xuất của Nhà máy cho biết: “Để công trình về đích đạt tiến độ, chúng tôi đã cùng với các đơn vị thi công phát động chiến dịch thi đua 61 ngày đêm trên công trình kể từ ngày 01/11/2011 và đến nay đã thi công được 2.550 m3 bê tông, hoàn thành đổ bê tông sàn 78,5 m(cao trình sàn máy phát); đã đổ bê tông pha 2 đến cao trình 85m, tổng cộng đã thi công được gần 15.000 m3 bê tông, hiện nay đã lợp xong mái phía trên 2 tổ máy, cầu trục gian máy đã thử tải và đưa vào vận hành; đã lắp đặt xong giá chữ thập trên tổ máy 1 (TM1), tổ hợp xong rotor và stato TM1, lắp đặt trục Tua- bin TM1 và 2, lắp vòi phun và các hệ thống phụ kiện vòi phun TM1 và 2, lắp van cầu TM1 và 2, hoàn thành thả rotor TM1 vào vị trí lắp đặt, hoàn thành lắp đặt hệ thống nước làm mát, hệ thống cấp dầu tổ máy Tua- bin TM1 và 2, đang tiến hành lắp hệ thống tủ bảng điện, kéo cáp, các hệ thống dầu nước khí, máy biến áp chính, chuẩn bị lắp đặt ổ đỡ TM1, đã nối trục máy phát và tua bin TM1. Nhìn chung, tiến độ thi công vẫn được đảm bảo.
Luôn bám sát công trường, anh Bùi Đức Trí, Trưởng Ban An toàn Công ty Cổ phần Lilama 45.4, đơn vị thi công lắp máy khẳng định: “Tiêu chí của chúng tôi đặt ra là vừa đảm bảo tiến độ lắp máy, vừa đảm bảo an toàn trong lao động, nên trong suốt quá trình thi công, chưa xảy ra vụ tai nạn lao động nào".
Anh Tạ Văn Hùng- Chỉ huy trưởng Lilama 45.4, cho biết: Để hoàn thành khối lượng lắp đặt hàng trăm tấn thiết bị, chúng tôi đã bố trí hơn 250 kỹ sư, công nhân làm việc 3 ca để đảm bảo khối lượng công việc đặt ra và đến nay đã hoàn thành trên 95% khối lượng công việc, chắc chắn sẽ về đích kịp tiến độ.
Theo anh Nguyễn Hữu Huy- Phó phòng Kỹ thuật EVNCHP, giám sát kỹ thuật công trình thì: “Các hạng mục công trình được đẩy nhanh, phần đập dâng đến nay đã thi công xong 132 ngàn m3 bê tông, đập tràn đạt cao trình mặt tràn 538,5 m; bê tông trụ pin, đập dâng vai phải và vai trái đạt cao trình thiết kế 555,5m và đã đóng cống dẫn dòng tích nước đợt 2 vào 24/11/2011. Hạng mục kênh dẫn đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng từ 15/11/2011. Hạng mục đường hầm đã thông toàn bộ tuyến đường hầm vào tháng 4/2011. Bê tông mái kênh đã hoàn thành bờ phải cao trình 64,5m, đang triển khai mái kênh bờ trái đến cao trình 64,5m...
Sẵn sàng cho giờ G
Trong bối cảnh đang thiếu điện trầm trọng hiện nay, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án hòa vào lưới điện quốc gia nhằm bổ sung nguồn điện cho hệ thống là yêu cầu bức thiết. Nhận thức tầm quan trọng đó, ban lãnh đạo EVNCHP rất nỗ lực trong công tác điều hành dự án.
Ông Lâm Uyên- Phó Tổng giám đốc EVNCHP cho biết: “Đến nay, công trình thuỷ điện A Lưới đã hoàn thành giá trị đầu tư xây dựng gần 2.990 tỷ đồng, nhờ thực hiện tốt công tác tài chính nên các nhà thầu và đơn vị cung cấp thiết bị cũng thực hiện đạt tiến độ. Phần thiết bị cơ khí thủy công, nhà thầu thiết kế, chế tạo và cung cấp hàng hóa kịp thời, đảm bảo tiến độ lắp đặt thiết bị tại hiện trường. Đến nay, toàn bộ thép lót hầm, cẩu trục gian máy, cầu trục cửa nhận nước... đã cơ bản hoàn thành. Thiết bị cơ điện đã được các chuyên gia của các nhà cung cấp thiết bị đến từ các nước Đức, Trung Quốc... hướng dẫn lắp đặt thiết bị tại hiện trường. Công tác xử lý chất độc, vệ sinh môi trường đã và đang thu dọn trên diện tích 399ha, đạt 90% tổng khối lượng.
|
Các chuyên gia nước ngoài đang kiểm tra thiết bị - Ảnh: Phương Anh |
Đặc biệt, công tác chuẩn bị sản xuất đã được lực lượng kỹ sư vận hành - sửa chữa hoàn thành các khoá đào tạo tại Nhà máy Thủy điện Đại Ninh, A Vương và Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi và đang có mặt ở công trường tiếp cận thực tế thiết bị. Đội ngũ công nhân vận hành - sửa chữa kết thúc khóa đào tạo tại Trường Cao đẳng Điện lực Hội An và Công ty Thủy điện A Vương và đã về công trường để tiếp tục tìm hiểu thực tế và bảo quản thiết bị. Gần 20 CBCNV được cử đi đào tạo tại Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia về vận hành hệ thống điện đã hoàn tất khóa học, đã được cấp chứng chỉ. EVNCHP đã tổ chức thi các chức danh trưởng ca. “Với tốc độ và sự nhiệt tình như thế này của anh em kỹ sư, công nhân, chúng tôi rất kỳ vọng đến hết quý 1/2012 sẽ hoàn thành công trình Thuỷ điện A Lưới, kịp thời cung cấp điện cho lưới điện quốc gia, chống lũ, đẩy mặn và cấp nước cho khu vực hạ du của tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Uyên cho biết thêm.
Nhìn chung, tiến độ trên công trường được đảm bảo, sự bắt nhịp của các nhà thầu tương đối nhanh đã tạo nên một đại công trường giữa núi rừng đại ngàn Trường Sơn. Dường như tất cả đang chạy đua với thời gian để kịp với tiến độ đề ra .
Giờ đây vóc dáng của một nhà máy thuỷ điện bề thế đã hình thành. Có thể nói, mục tiêu đưa tổ máy số 1 phát điện vào đầu năm 2012 đang trở thành hiện thực. Ngoài việc cung cấp điện, hồ chứa nước mênh mông của Thủy điện A Lưới sẽ tạo ra cảnh quan du lịch, cải thiện môi trường sinh thái và hứa hẹn sẽ đem đến diện mạo mới cho mảnh đất phía Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế, góp phần đảm bảo năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước.