Họ gắn bó với công trình từ ngày đầu tốt nghiệp đại học và được rèn luyện, thử thách bản lĩnh, trí tuệ trên công trình thủy điện lớn nhất Ðông - Nam Á.
Với khối lượng công việc khổng lồ, tiến độ thi công khẩn trương, Thủy điện Sơn La có công suất 2.400 MW gồm sáu tổ máy, mỗi tổ 400 MW, dung tích toàn bộ hồ chứa là 9,26 tỷ m3, thật sự là "lò lửa" rèn luyện bản lĩnh và lòng quyết tâm của những người thợ trẻ kể từ ngày khởi công dự án (ngày 2-12-2005). Qua công trình này, một lần nữa những người thợ xây dựng thủy điện Việt Nam lại được khẳng định về khả năng thích ứng với công nghệ cao, ý thức tổ chức và chấp hành kỷ luật nghiêm ngặt, sức sáng tạo không ngừng trong phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật.
Các kỹ sư trẻ phòng điều hành của nhà máy.
|
Trong câu chuyện của các anh trong ban giám đốc nhà máy kể về những khó khăn vất vả của ngày đầu thi công, chúng tôi thật sự khâm phục nghị lực, trí tuệ của tập thể cán bộ, công nhân các đơn vị được vinh dự tham gia công trình trọng điểm này. Ðiển hình như việc vận chuyển những bánh xe của các tua-bin cao hơn ba mét, đường kính khoảng hơn bảy mét và nặng hơn 300 tấn từ Hải Phòng ngược sông Hồng lên đập Hòa Bình, sau đó bốc xếp vận chuyển bằng đường bộ lên khu vực thượng lưu hồ Hòa Bình rồi vận chuyển tiếp bằng sà-lan đến bến nghiêng gần công trường, đặc biệt khi chuyển khối bánh xe nặng hàng tấn qua cầu để trung chuyển vào nhà máy. Rồi trận lũ muộn xảy ra ngày 30/10/2005 khi giữa sông hàng trăm phương tiện máy móc, xe cộ, lán trại và hàng nghìn nhân công của các đơn vị Sông Ðà, Licogi, Trường Sơn đang thi công. Nếu đê quai bị vỡ thì tất cả sẽ bị thổi bay trong chốc lát. Hoặc việc làm chủ công nghệ giảm độ ẩm từ 6% xuống còn 3% trong tro bay làm phụ gia cho bê-tông đầm lăn quy mô lớn, lần đầu tiên được làm tại nhà máy trong điều kiện thời tiết bất lợi, nhưng vẫn bảo đảm các điều kiện kỹ thuật khắt khe, chính là minh chứng cho nỗ lực phi thường của một tập thể.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu trung tâm của nhà máy, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La Hoàng Trọng Nam bộc bạch: So với các nhà máy thủy điện khác, những khu trung tâm như thế này hầu như phải có chuyên gia nước ngoài đảm nhiệm cùng hàng chục kỹ sư, cán bộ kỹ thuật. Nhưng giờ đây, toàn bộ dữ liệu của nhà máy được đặt trong những cái tủ sắt này và chỉ cần khoảng ba kỹ sư lành nghề Việt Nam là đảm nhiệm được toàn bộ công việc. Chăm chú dõi theo những biến động của biểu đồ trên máy tính, Trưởng ca trực trung tâm Trần Văn Phước, 28 tuổi cho biết, sau khi tốt nghiệp Khoa điện Trường đại học Bách Khoa (Hà Nội), Phước được tham gia công trình Thủy điện Hòa Bình. Ở đây, Phước đã học được rất nhiều kiến thức bổ ích cho công việc của mình. Năm 2008, Phước vinh dự được chuyển về làm tại Nhà máy Thủy điện Sơn La. Với những kiến thức đã học ở trường cùng những kinh nghiệm tích lũy được sau thời gian làm việc tại Thủy điện Hòa Bình giúp Phước ngày càng trưởng thành, đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của công nghệ mới được hoàn toàn vi tính hóa.
Kỹ sư Nguyễn Việt Anh, 28 tuổi, quê ở Xuân Mai (Hà Nội) cho biết: Với hai chiếc máy vi tính, tôi có thể theo dõi an toàn của đập, chỉ cần bật máy lên là biết được độ ngấm, ứng xuất, nhiệt độ, sự chuyển dịch của các khối bê-tông, cùng độ nghiêng, áp lực ở các mực nước đối với đập. Ðiều này không những làm giảm bớt khả năng rủi ro, mà còn biết chính xác từng vị trí, độ nghiêng của đập.
Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Ban quản lý dự án Thủy điện Sơn La (Ðoàn TN ASLA) được thành lập năm 1996 và được phân cấp là Chi đoàn thuộc Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN). Với tổng số đoàn viên 200 người, trong đó 70% có trình độ từ cao đẳng trở lên. Trải qua thời gian hoạt động, Ðoàn Thanh niên ASLA đã từng bước phát triển và đóng góp tích cực cho sự thành công của Ban quản lý dự án Thủy điện Sơn La trong việc quản lý hai Dự án trọng điểm quốc gia là công trình Thủy điện Sơn La và công trình Thủy điện Lai Châu. Nhà máy tạo điều kiện để các đoàn viên, thanh niên học hỏi, tiếp thu những kiến thức khoa học công nghệ mới, vận dụng trong thi công bảo đảm hiệu quả, chất lượng nhất.
Hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí và các hoạt động vì cộng đồng, hướng về đồng bào vùng sâu, vùng xa trên địa bàn xây dựng công trình nói riêng, trên địa bàn các tỉnh Sơn La và Lai Châu nói chung luôn được tổ chức Ðoàn nơi đây quan tâm. Các hoạt động đó đã tập hợp và phát huy sức mạnh tập thể, tinh thần đại đoàn kết trong toàn cơ quan, giúp các đoàn viên, cán bộ, công nhân, viên chức trên công trường có các sân chơi bổ ích, tin yêu cuộc sống nơi công tác, ra sức cống hiến vì mục tiêu chung "Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc".