Thoạt nghe, tôi suýt phì cười, nhưng sợ khiếm nhã nên nén được. Tít gì mà nghe như chuông khánh phải gió. Ấy vậy mà khi lên đến Sơn La, đứng trên bờ đập nhìn dòng sông Đà hung hãn bị chặn lại bởi bức tường thành bê tông cao gần 200m; vào trong nhà máy, nhìn tua bin của tổ máy cuối cùng nặng hàng nghìn tấn đang chuẩn bị được đưa vào vị trí phát điện; nhìn những nơi ở mới của hàng vạn đồng bào dân tộc đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc... tôi mới thấy đồng nghiệp gợi ý đúng là "chuẩn không cần chỉnh".
1. Vượt qua những nương ngô, sắn, cà phê đang phơi màu xanh nõn dưới cái nắng vàng như phết mật, chúng tôi tìm lối vào bản định cư Quỳnh Phố thuộc xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La. Trưởng bản Điêu Văn Hơn nom già hơn cái tuổi băm sáu, cười phô răng ám thuốc lào kể về cuộc "thiên di" của mình, giọng có vẻ tự tin, nhưng thi thoảng vẫn phải liếc mắt nhìn anh cán bộ Ban Quản lý Di dân tái định cư tỉnh đi cùng chúng tôi, như muốn xem có chau mày "chỉnh" nhời nhẽ phát ngôn của mình không:
- Cả bản có 54 hộ, tên cũ bản của mình là Pắc Ma, ở huyện Quỳnh Nhai, cách chỗ ở mới này quãng gần trăm cây số. Quỳnh Phố là tên ghép của Quỳnh Nhai và thành phố Sơn La. Chỗ ở cũ thế nào á, mát hơn ở đây nhiều, trong đó mùa này tối ngủ phải mặc áo bông, ra đây nóng quá, lợn kêu khà khà, gà cứ há mỏ ra, cánh rũ xuống, áo rét cất hết vào hòm, trẻ con cởi trần, người lớn vận độc áo ba lỗ. Đất canh tác ở bản cũ nhiều hơn, hộ ít cũng có vài "hát a", đến đây mỗi khẩu được có 2.000m2, mà thuần đất đồi núi, chỉ trồng được ngô, sắn, rất ít chỗ để cho cây lúa nước cắm rễ. Rõ là vất vả và khổ hơn rồi…
Chúng tôi dạo một vòng quanh bản. Đúng là Quỳnh Phố dù "cắm rễ" nơi ở mới gần 4 năm, nhưng xem ra vẫn còn nhiều khó khăn trong cái sự lạc nghiệp… Dân bản Quỳnh Phố trồng ngô rất giỏi. Ngày mới về, dân bản địa nhìn cách chăm sóc ngô của họ thì cười khẩy, thì thào với nhau, trồng kiểu đó thể nào cũng đói. Vậy mà nhà nào trồng ngô cũng trúng to, trung bình một cân hạt giống thu về hơn một tấn ngô.
Mấy anh thợ xẻ dưới xuôi lên, nghe kể, mắt tròn mắt dẹt nức nở khen: "Quê em đất tốt, nước đầy đủ, một cân hạt giống giỏi chăm cũng chỉ được 5 tạ, các bác tài thật". Không chỉ giỏi trồng trọt, nhiều hộ còn giỏi chăn nuôi. Ví như nhà Phó bản Hoàng Văn Son, được bao nhiêu tiền đền bù, anh dồn xây chuồng trại nuôi lợn, bò. Mỗi năm xuất chuồng bảy, tám chục con lợn thịt, gần chục con bò, trừ hết chi phí lãi gần 200 triệu đồng. "Em cũng muốn mở rộng trang trại, không sợ thiếu vốn, chỉ lo không có nước" - Son cười nói ngượng ngịu khi quần vén quá gối đang lúi húi cho lợn ăn thì gặp khách vào. Ngôi nhà của Son đang ở toàn bằng gỗ nghiến, thì vẫn là gỗ từ nhà cũ mang về, chỉ khác là giữa nhà giờ không còn cái bếp quanh năm đỏ lửa truyền thống của dân tộc Thái nữa. "Thì cả bản em giờ có đến hơn hai chục hộ dùng biôga từ chăn nuôi rồi, tiện lợi, sạch sẽ, tiết kiệm lắm, không phải vào rừng kiếm củi, phá rừng nữa" - Son khoe.
Khu tái định cư di dân xây dựng công trình Thủy điện Sơn La.
|
Quỳnh Phố giờ không chỉ có thiếu vắng những ngọn khói lam tỏa ra từ những mái nhà sàn khi mỗi chiều xuống, mà cả cái Khau Cút gắn trên các trái nhà cũng rơi rụng đâu mất trong lần chuyển nhà, giờ chẳng ai buồn gắn lại. Về biểu tượng "Khau Cút" có nhiều ý kiến khác nhau, có người cho rằng đó là cặp sừng trâu cách điệu, biểu tượng của một nền văn minh lúa nước, có ý kiến lại khẳng định đó là trang trí họa tiết hoa sen, "Khau Cút" có ít nhiều liên quan tới đạo Phật; lại có ý kiến cho rằng, với họa tiết hình trăng, "Khau Cút" gắn với cuộc thiên di tìm miền đất hứa của người Thái ở thế kỷ XI, treo ở trái nhà để anh em luôn nhớ về nhau.
2. Sông Đà không chỉ là nguồn tiềm năng vô tận cho thủy điện mà còn là dòng chảy cuồn cuộn của những truyền thuyết, sử thi hùng tráng, nơi ẩn chứa dày đặc của các lớp văn hóa vật thể và phi vật thể. Khi Thủy điện Sơn La chặn dòng tích nước để phát điện, cả một vùng rộng lớn dọc thượng nguồn con sông huyền thoại này, từ Pá Vinh (Sơn La) lên tận Mường Lay (Điện Biên) sẽ ngập sâu dưới hàng trăm mét nước.
Có một nghịch lý là trong khi nhiều người mong từng ngày, đếm từng giờ đến lễ động thổ dự án, đến ngày chặn dòng, đến khi tổ máy đầu tiên của Thủy điện Sơn La phát điện hòa vào lưới điện quốc gia... thì có những người mong thời gian như ngừng trôi, đó là những nhà khoa học thuộc Viện Khảo cổ học. Để giữ gìn những di sản văn hóa - những tài sản vô giá ở đây trước khi bị ngâm trong nước vĩnh viễn, nhiều đoàn cán bộ của Viện đã được cử về vùng lòng hồ, chạy đua với thời gian với quyết tâm tìm, phục chế, lưu giữ được càng nhiều di sản văn hóa càng tốt, để cho hậu thế nơi đây không bị đứt mạch, ngắt quãng hay có những khoảng trống giữa hiện tại với quá khứ.
Và cứ như duyên tiền định, trời đất không phụ lòng người, trong quá trình tìm kiếm, các nhà khoa học đã tìm được 10 ngôi mộ cổ có niên đại cách đây khoảng 3000 năm tại huyện Quỳnh Nhai. Vật dụng trong mộ đều rất tinh xảo, có những bình gốm cực đẹp, điều đáng mừng là các bộ xương gần như nguyên vẹn, tất cả hiện vật đều đã được bảo quản chu đáo để nghiên cứu hoặc bàn giao cho các bảo tàng tỉnh để trưng bày.
Không chỉ lo chỗ ở cho người sống, tìm nơi "an nghỉ" cho những ngôi mộ cổ, mà các cán bộ còn phải làm nhiệm vụ "tái định cư" cả cho những ngôi mộ tân thời. Bà con dân tộc Thái vùng Sơn La vốn có tục bỏ mả, đây là tục lệ nhằm cắt đứt sự thương nhớ ràng buộc giữa người sống và người chết, để người chết được siêu thoát. Điều đó đã khiến cho hàng ngàn ngôi mộ quanh khu vực Thủy điện Sơn La trở thành mộ vô chủ. Thế nhưng, khi san lấp mặt bằng xây dựng nhà máy, các cơ quan chức năng vẫn thu gom hài cốt, làm lễ, mời thầy mo cúng rất cẩn thận rồi quy tập về nghĩa trang, điều này khiến nhiều già bản đến giờ vẫn rưng rưng cảm động, phải thốt lên: "Nhìn chúng nó làm, bà con tao ưng cái bụng lắm!".
Có thể khẳng định, di dân tái định cư là một trong những công việc quan trọng và gian nan nhất của dự án Thủy điện Sơn La. Hơn 2 vạn hộ dân với trên 96 nghìn nhân khẩu của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã phải rời bỏ quê hương để nhường lại diện tích hơn 225 km2 cho lòng hồ. Đến nay, đã có trên 300 điểm tái định cư được xây xong, tất nhiên không phải tất cả những phố huyện, cụm xã, những bản mới hình thành đều chuẩn như "báo cáo tổng kết" và dù ở một số nơi còn nhiều khó khăn, thiếu sót... cần phải tiếp tục tháo gỡ, rút kinh nghiệm, phải điều chỉnh, nhưng đại đa số những người dân đến nơi ở mới, khi được hỏi đều ghi nhận rằng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam - đơn vị làm chủ đầu tư đã rất cố gắng trong việc bố trí nơi ăn chốn ở mới cho người dân có thể an cư.
Tôi đã có một buổi chiều đẫy lẩn mẩn bên dòng sông Đà quãng chảy dưới chân Nhà máy Thủy điện Sơn La. Con nước dưới hạ lưu đã bắt đầu mùa lũ, nhưng bị chặn lại, bị "ghìm cương" nên chảy nom hiền dịu lắm! Từ dưới này ngước nhìn lên, in sừng sững trong ráng chiều rực đỏ, con đập ngăn dòng sông Đà - một trong những con sông hiểm trở, hung dữ nhất Việt Nam trông thật hùng vĩ. Chỉ ít thời gian nữa thôi, một công trình mà người ta vẫn gọi là "công trình thế kỷ", "công trình lớn nhất Đông Nam Á"... sẽ hoàn thành, chẳng biết người khác cảm nhận thế nào, còn tôi, thấy ẩn chứa đằng sau sự vĩ đại đó, có những "nốt nhạc trầm", có sự hy sinh thầm lặng của hàng vạn người dân, của những người thợ xây dựng.
Nhìn những cuộn nước tung bọt trắng xóa tuôn ra từ đập tràn, tôi chợt nhớ đến một đoạn trong bài Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân: "Cơ thể Tây Bắc đang chuyển dần, mạch máu của Tây Bắc đang hóa sinh thêm vô vàn là hồng huyết cầu... Mạch âm là con sông Đà đang thăm dò để rồi trong một năm nào gần đây, lấy ngay nước của nó mà thắp cháy đèn điện lên khắp thị trấn, công trường, hợp tác xã ven sông và khắp cả núi đồi Tây Bắc mở rộng thêm nhiều nữa những diện khai hoang. Trong khối nước ầm ầm mênh mông của sông Hồng, sông Đà rót vào gần nửa, để sẽ cháy xanh lên cái lửa sắp tới của thủy điện dự tính hàng triệu kilôoát giờ".
(Còn tiếp)