Trộm cắp điện: Nhìn từ góc độ tệ nạn xã hội

Trộm cắp điện không chỉ gây thất thoát tài sản cho ngành Điện mà còn gây ra những tổn hại lớn đến xã hội, tiêu biểu là những vụ tai nạn điện nghiêm trọng gây mất an toàn trong hệ thống cung ứng điện, gây mất trật tự công cộng và góp phần làm suy thoái đạo đức xã hội của một bộ phận người dân vì hám lợi mà mờ mắt...

Ngày càng tinh vi
Cách đây khoảng 1 năm, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương đã đề nghị đưa ra xét xử trước pháp luật 2 vụ trộm cắp điện, với mục đích răn đe, không để tái diễn tình trạng này. Sau khi nhận hồ sơ từ cơ quan công an và cáo trạng của Viện kiểm sát, Tòa án Nhân dân huyện Tứ Kỳ và Bình Giang (Hải Dương) đã công khai xét xử 2 vụ trộm cắp điện này. Theo đó, Tòa án nhân dân huyện Tứ Kỳ và Bình Giang đã xét xử 22 đối tượng trộm cắp điện, trong đó có 10 đối tượng bị xử phạt tù từ 42 tháng trở xuống, còn lại 12 đối tượng bị xử phạt tù, nhưng cho hưởng án treo.

Cũng trong thời gian trên, ở thôn An Đông (xã An Bình, Nam Sách, Hải Dương) các cơ quan chức năng đã phát hiện hành vi trộm cắp điện của hầu hết các hộ sử dụng điện thôn này. Theo Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm và Trật tự xã hội (PC45) - Công an tỉnh Hải Dương, sau khi nhận được đơn thư, Phòng đã báo cáo Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh và giao cho Đội án Xâm phạm sở hữu trực tiếp điều tra. Đội đã thành lập Tổ công tác liên ngành, tiến hành kiểm tra, niêm phong các công tơ có dấu hiệu nghi vấn. Qua trưng cầu giám định 40 công tơ điện, các công tơ đều bị phá kẹp chì, thay đổi bộ điều chỉnh để giảm số đo điện năng từ 35 - 75%. Cơ quan điều tra đã tiến hành triệu tập, lấy lời khai của trên 30 hộ có công tơ bị điều chỉnh. Phần lớn các hộ đã nhận thức rõ hành vi sai phạm của mình và thành khẩn khai rõ trước cơ quan điều tra.

Là địa phương chiếm tới 10% sản lượng của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, thời gian qua, TP Hải Phòng đã bắt quả tang hàng chục vụ trộm cắp điện với giá trị hàng trăm triệu đồng. Nhiều vụ, hành vi trộm cắp điện hết sức tinh vi khiến cơ quan chức năng mất rất nhiều thời gian điều tra, mật phục mới bắt được quả tang. Điển hình như vụ Hợp tác xã Dịch vụ Điện nước Lê Thiện (xã Lê Thiện, huyện An Dương) đã thay chì niêm phong, thay bánh răng bên trong công tơ cơ để trộm cắp điện. Hợp tác xã này đã phải bồi thường thiệt hại cho bên bán điện khoảng 170 triệu đồng.

Có những trường hợp, đối tượng trộm cắp là những người có trình độ, có chuyên môn về điện, lại  dày công nghiên cứu làm thay đổi kết cấu trên hệ thống đo đếm để chiếm đoạt hàng ngàn, thậm chí trăm ngàn kWh điện mỗi tháng vào mục đích riêng. Để phát hiện, bắt được quả tang đối tượng trộm cắp này, đơn vị điện lực phải phối hợp với các cơ quan liên ngành, tốn rất nhiều thời gian, công sức mới truy tìm được thủ phạm và bắt đối tượng phải ký vào biên bản thừa nhận hành vi trộm cắp điện tinh vi này. Đó là vụ trộm cắp điện tại Điện lực An Lão, Công ty Điện lực Hải Phòng với tính chất tinh vi và phức tạp. Đối tượng thực hiện là Công ty Nhật Phát tại Khu Công nghiệp Cầu Vàng 2, huyện An Lão. Cơ quan liên ngành đã phát hiện hành vi thay chì niêm phong, tác động các công tơ điện tử đo đếm phía cao thế để làm sai lệch chỉ số điện tiêu thụ hằng ngày.

Theo ông Trần Quốc Hùng, Chánh thanh tra Sở Công Thương Hải Phòng, đây là hình thức trộm cắp rất tinh vi lần đầu tiên được phát hiện. Đối tượng trộm cắp điện đã tác động vào loại công tơ điện tử công nghệ cao, không chỉ ở lưới điện hạ áp mà còn ở lưới điện trung áp và cao áp từ 35kV trở lên.

Mặc dù nhiều vụ trộm cắp điện đã bị cơ quan điều tra truy tố, xét xử nhưng tình hình trộm cắp điện vẫn chưa thuyên giảm - Ảnh: X. Tiến


Tại Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), trong 6 tháng đầu năm 2013 đã kiểm tra sử dụng điện 684.962 lượt khách hàng, phát hiện và lập biên bản 1.197 biên bản vi phạm trộm cắp điện, sản lượng điện phải truy thu 4,3 triệu kWh tương ứng với số tiền hơn 12 tỷ đồng. Trong đó tỉnh Đồng Nai phát hiện 258 vụ, Cà Mau 158 vụ, Kiên Giang 109, truy thu gần 7 tỷ đồng. Đa số trộm cắp điện sinh hoạt chiếm 80%, sản xuất chiếm 18%, đối tượng khác 2% với hành vi tác động vào trực tiếp vào kỹ thuật công tơ điện.

Bất chấp nguy hiểm tính mạng

Trộm cắp điện không chỉ gây thất thoát tài sản cho ngành Điện mà còn gây ra những bất ổn xã hội, gây mất an toàn nghiêm trọng về người và tài sản. Vụ tai nạn gần đây nhất đó là đầu tháng 2/2013 trên địa bàn Điện lực Chợ Lớn quản lý. Gần sáng người dân tại ngõ 39 Dạ Nam, phường 2, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh bị đánh thức bởi hai tiếng nổ lớn xảy ra liên tiếp tại trạm biến áp đầu ngõ. Khi người dân chạy tới đã thấy một nam thanh niên (20 tuổi) bị điện phóng cháy đen, đầu chảy máu nằm bất động. Phía trên trạm biến áp còn sót lại chiếc kìm cắt điện mà người thanh niên này trèo lên với ý đồ câu móc điện. Sau khi được đưa vào viện cấp cứu, người thanh niên này đã không sống được vì vết thương quá nặng do dòng điện phóng qua người. Đây chỉ là 1 trong số rất nhiều vụ việc trộm cắp điện đã bị điện giật, cướp đi sinh mạng hoặc phải sống với thương tật vĩnh viễn.

Không chỉ bất chấp tính mạng của bản thân, nhiều đối tượng trộm cắp điện còn góp phần gây hại đến tính mạng người thân hay lực lượng chức năng. Vụ việc điển hình phải nói tới là vụ chém nhân viên điện lực trong khi kiểm tra trộm cắp điện tại Thanh Oai Hà Nội. Trưa 23/2/2013, tổ nhân viên của Công ty Điện lực Thanh Oai gồm anh Nguyễn Hữu Huỳnh, Bùi Đức Thùy và anh Đào Huy Đông tiến hành kiểm tra lưới điện sinh hoạt tại thôn Tê Quả, xã Tam Hưng và phát hiện gia đình chị Tạ Thị Hà “câu” trộm lưới điện thuộc trách nhiệm quản lý của Điện lực Thanh Oai. Ngay khi nghe có người nói gia đình chị gái đang bị nhân viên điện lực đến kiểm tra, Tạ Huy Trường đã xông đến văng bậy, chửi tục các thành viên tổ công tác. Tiếp đến, anh ta trèo qua tường rào vào nhà chị gái giật phăng chiếc dây điện (tang chứng trộm cắp điện) để phi tang. Thấy anh Huỳnh rút máy ảnh ra chụp, tên Trường đã lấy dao uy hiếp các nhân viên điện lực. Mặc dù anh Huỳnh đã để lại máy ảnh và buộc phải bỏ chạy, song tên Trường vẫn đuổi theo và chém nhiều nhát vào người anh Huỳnh, trong đó có một nhát trúng đầu. Ngay chiều hôm gây án, hung thủ đã tới cơ quan công an đầu thú.

Từ các vụ trộm cắp điện bị phát hiện cho thấy, đối tượng trộm cắp đều đã coi thường tính mạng của mình để đổi lấy lượng điện không phải trả tiền. Cổ nhân có câu “bần cùng sinh đạo tặc” nhưng những đối tượng này chưa chắc đã bần cùng mà chỉ vì hám lợi, mờ mắt đã gây mất trật tự xã hội, gây tổn hại lợi ích chung và cái giá phải trả là thiệt hại kinh tế, tình cảm, thậm chí là cả tính mạng của bản thân và gia đình dẫn đến vòng lao lý và bị cả xã hội lên án.

Đó cũng chính là lời cảnh tỉnh rõ ràng nhất đối với bất cứ ai, tổ chức nào trước khi có hành vi trộm cắp điện!

Khó xử lý triệt để…

Ông Trần Ngọc Quỳnh, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng cho biết, một số quy định hiện hành gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp trộm cắp điện. Chẳng hạn, nhân viên điện lực không có thẩm quyền khám nhà của khách hàng, nên rất khó bắt quả tang hành vi gian lận. Trong quá trình tác nghiệp, nhân viên điện lực thường xuyên bị khách hàng vi phạm làm khó dễ, thậm chí đã có trường hợp bị khách hàng hành hung.

“Theo quy định, mọi hành vi gian lận đều phải được bắt quả tang. Các trường hợp khách hàng cắt niêm phong chì, đục lỗ công tơ điện để gian lận điện, nếu không bắt tận tay, thì cũng chỉ có thể xử phạt khách hàng về việc không bảo quản tốt công tơ điện”, ông Quỳnh chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Công Thương) thẳng thắn thừa nhận: “Để hạn chế tình trạng trộm cắp điện thì chỉ còn cách tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trách nhiệm. Đồng thời phải xử phạt thật nặng hành vi trộm cắp điện để có sức răn đe chứ chúng ta không có người rải khắp mọi nơi để phát hiện được những vi phạm được”.

Một bất cập khác là, theo quy định tại Khoản 1, Điều 29 Nghị định số 68/2010/NĐ-CP ngày 15/6/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực, trường hợp trộm cắp điện với số lượng trên 3.000 kWh, ngành Điện sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 138 Bộ Luật hình sự về tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, thời gian qua, chỉ có một số trường hợp trộm cắp điện được đưa ra xét xử hình sự, còn lại là xử lý bằng hình thức khác như xử phạt hành chính, dẫn đến chưa đủ tính răn đe, kịp thời ngăn chặn các hành vi trộm cắp điện.

Tăng cường các biện pháp…

Trước những thủ đoạn trộm cắp điện tinh vi cũng như những hạn chế trong các văn bản pháp luật về xử lý trộm cắp điện, các Tổng công ty Điện lực đã đưa ra kế cụ thể, gắn chặt với tình hình của các đơn vị điện lực trực thuộc để hạn chế tình trạng này. EVN SPC đã chuẩn hóa phương tiện thiết yếu trang bị cho các Tổ kiểm tra công tác tại 192 Điện lực như: máy dò điện ngầm, sào đo dòng lệch, máy ảnh, ống dòm, máy ghi âm,… EVN SPC phối hợp Trường Cao đẳng Điện lực TP.HCM đào tạo kỹ năng khảo sát, đo đếm thực hiện tác động sai số  mạch nhị thứ hệ thống đo đếm gián tiếp, kỹ năng phát hiện và nhận dạng các hình thức vi phạm trong quá trình kiểm tra sử dụng điện. Phổ biến quy định pháp luật xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Điện lực. Hiện nay, EVN SPC đang nghiêm cứu các thiết bị phát hiện cảnh báo vi phạm trộm cắp điện bằng nam châm điện.

“Song song đó, EVN SPC phát động thi đua, phấn đấu quyết liệt để  giảm chỉ tiêu tổn thất điện năng, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục củng cố, kiện toàn các Tổ kiểm tra sử dụng điện hoặc Bộ phận kiểm tra sử dụng điện trên 192 Điện lực. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể địa phương để tuyên truyền, phổ biến Luật Điện lực, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng điện đến người dân. Hạn chế tối đa và đi đến xóa bỏ tận gốc vấn nạn lấy cắp điện tại địa phương. Bởi phát hiện và xử lý lấy cắp điện chỉ mới là biện pháp tình thế để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng hiện nay”, ông Lê Xuân Thái – Trưởng ban Quan hệ cộng đồng EVN SPC chia sẻ.

Đối với Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC), Các công ty điện lực thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng kìm kẹp chì, niêm chì; đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát trình tự thay thế công tơ định kỳ, cháy kẹt nhằm kịp thời phát hiện những sai phạm trong quá trình thực hiện và ngăn ngừa những hành vi tiêu cực xảy ra.
 


  • 31/10/2013 01:53
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3886


Gửi nhận xét