Cột và đường dây điện 110 kV bị nhà cao tầng "bủa vây"
|
"Làm nhà thì phải đẹp, rộng rãi và mát mẻ, cho nên chúng tôi mới cơi nới thêm phần phía sau nằm ở dưới đường điện. Lâu nay chưa thấy nhà nào bị điện giật, do vậy không lo lắng lắm. Còn lỡ mưa gió, phóng điện thì ai xui nấy chịu, chứ biết làm sao bây giờ".
Câu chuyện ngỡ như đùa của chị Mai Thị Ngọc Lan, trú tại số nhà 28, đường Mẹ Nhu, phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê, Ðà Nẵng) khiến chúng tôi sững người vì sự chủ quan, thờ ơ trước hiểm họa phóng điện từ đường dây cao thế, có thể gây cháy nổ, hư hỏng và nguy hiểm đến tính mạng.
Dẫn chúng tôi đi dọc tuyến 110 kV từ phường Xuân Hà qua Thanh Khê, lên Hòa Minh, Hòa Khánh, anh Lê Văn Phú, Phó đội trưởng Ðội quản lý vận hành đường dây 110 kV Ðà Nẵng cho biết, hơn 5 km đường dây cao thế 110 kV ở khu vực này, có đến gần 700 trường hợp người dân làm nhà trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện.
Từ ngã ba đường Trần Cao Vân - Mẹ Nhu nhìn về phía tây, hàng trăm ngôi nhà "bủa vây" các trụ điện và đường dây, thậm chí nhiều nhà xây cao hai, ba tầng sát đường dây điện cao thế 110 kV. Ðiều đáng nói là nhiều ngôi nhà mới được xây dựng trong thời gian gần đây, nhưng theo Nghị định số 106/2005/NÐ-CP và Nghị định số 81/2009/NÐ-CP của Chính phủ, trong hành lang an toàn đường dây điện trên không có điện áp từ 220 kV trở xuống, chỉ cho phép tồn tại nhà ở hoặc công trình đã có trước khi xây dựng đường dây điện nếu bảo đảm các điều kiện theo quy định hiện hành.
Theo đó, điều kiện bắt buộc là khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất khi dây ở trạng thái võng cực đại phải từ 4 m trở lên; mái lợp và tường bao phải làm bằng vật liệu không cháy; các kết cấu kim loại của nhà ở, công trình phải được tiếp đất...
Tuy nhiên, hàng trăm ngôi nhà đang tồn tại trong phạm vi an toàn hành lang lưới điện của đường dây 110 kV nhánh rẽ Xuân Hà không bảo đảm đúng quy định về khoảng cách. Nhiều nhà lợp tôn, chung quanh cũng che chắn bằng tôn để chống thấm, lại không hề có dây tiếp đất.
Theo Trưởng phòng An toàn, Công ty Ðiện lực Ðà Nẵng Phạm Nam Hải thì có 46 trường hợp được xếp ở mức báo động cực kỳ nguy hiểm vì nhà ở nằm ngay dưới đường dây 110 kV, khoảng cách đến dây dẫn gần nhất chưa đến 4 m, mái nhà, tường rào bằng sắt, rất dễ gây ra hiện tượng phóng điện khi có mưa, bão. Bên cạnh đó, tại một số khu vực đang triển khai dự án xây dựng khu dân cư, công trình, việc đổ đất san nền cũng gây ảnh hưởng đến an toàn đường dây vì đã làm giảm khoảng cách từ điểm thấp nhất của dây dẫn ở trạng thái võng cực đại đến mặt đất. Trong khi đó, theo quy định, khoảng cách này phải lớn hơn 15m.
Luật Ðiện lực và Thông tư số 03/2010/TT-BCT ngày 22/1/2010 của Bộ Công thương quy định, trước khi xây dựng mới hoặc cải tạo công trình, nhà ở, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp phải gửi văn bản đề nghị xây dựng mới hoặc cải tạo công trình đến đơn vị quản lý lưới điện cao thế để tiến hành khảo sát hiện trường và lập văn bản thỏa thuận (hoặc trả lời bằng văn bản) các biện pháp bảo đảm an toàn, xác định khoảng cách an toàn, trách nhiệm của các bên liên quan...
Nhưng thực tế, hầu hết các trường hợp vi phạm trên địa bàn các phường Thanh Khê Ðông và Thanh Khê Tây, Hòa Minh, Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, chủ yếu do người dân tự ý xây mới hoặc cơi nới. Ðiện lực Ðà Nẵng không hề nhận được yêu cầu và văn bản thỏa thuận nào về xây dựng công trình, nhà ở trong hành lang an toàn điện cao áp hoặc liên quan đến hành lang an toàn (ở dưới và hai bên đường dây 110 kV nhánh rẽ Xuân Hà), ông Phạm Nam Hải khẳng định.
Theo số liệu tổng hợp của Ðiện lực Ðà Nẵng, trong tám tháng đầu năm 2013, phát sinh thêm 74 trường hợp người dân xây mới, cơi nới nhà cửa vi phạm hành lang tuyến, khi kiểm tra thì tất cả đều không có giấy phép xây dựng. Chị Thái Thị Son, ở tổ 33, phường Thanh Khê Tây mới xây thêm phòng ngủ nằm ngay dưới đường dây 110 kV cho biết: Nhà ở chật chội quá nên nới thêm một phòng ở mảnh đất trống sau nhà cho con cái có chỗ học hành, sinh hoạt. Biết là vi phạm, là nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác.
Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Hữu Thiết, cho biết: Ðịa bàn đường dây 110 kV nhánh rẽ Xuân Hà đi qua chủ yếu là khu vực dân cư lâu đời, chưa có phương án di dời, giải tỏa, chỉnh trang đô thị. Do đời sống khó khăn, một số hộ tự ý xây thêm phòng ở hoặc cho công nhân, sinh viên thuê để kiếm thêm thu nhập. Những trường hợp vi phạm mới đây, ngành điện đã lập biên bản, cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở và buộc tháo dỡ nếu quá nguy hiểm. Còn những công trình đã có từ trước thì phải chờ chỉ đạo từ thành phố.
Tại cuộc họp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương liên quan, bàn biện pháp xử lý tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao thế vào đầu tháng 9 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Phùng Tấn Viết đã yêu cầu Sở Công thương phối hợp Ðiện lực Ðà Nẵng và Sở Xây dựng cùng các quận, huyện tổ chức kiểm tra, rà soát, phân loại các trường hợp vi phạm và đề xuất hướng xử lý cụ thể. Chính quyền các phường, xã, quận, huyện phải đẩy mạnh tuyên truyền, ngăn chặn không để phát sinh thêm vi phạm. Với những trường hợp vi phạm ở mức nguy hiểm sẽ phải cưỡng chế tháo gỡ, không để xảy ra sự cố phóng điện, nhất là khi đang bước vào cao điểm mùa mưa bão.
Ðể đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm việc cung cấp điện an toàn, liên tục, Ðà Nẵng sẽ phải tính đến việc nâng cấp, xây dựng mới các trục năng lượng, trong đó có việc nâng đường dây tải điện 110 kV nhánh rẽ Xuân Hà lên 220 kV. Thành phố cũng cần sớm xây dựng phương án di dời các khu dân cư dưới đường dây tải điện cao thế, kiên quyết ngăn chặn việc xây dựng trái phép, tháo dỡ nhà ở, công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện, hoàn trả mặt bằng ban đầu. Thực tế, mỗi người dân sống dưới đường dây cao thế đều luôn nơm nớp lo sợ, và mong mỏi chính quyền thành phố sớm có phương án di dời, bố trí người dân đến nơi ở mới an toàn, lâu dài để ổn định đời sống.