Biến “gió Lào” thành điện

Tôi sinh ra và lớn lên tại miền Trung nên phần nào biết đến “gió Lào” với cuộc sống người dân ở đây. Đó là những cơn gió thổi từ vịnh Bengan, theo hướng Tây Nam qua lãnh thổ Campuchia, Lào, về miền Trung Việt Nam, gió trở nên khô nóng, dân gian thường gọi là “gió Lào”. Cái khốc liệt tưởng chừng như thiêu của ngọn “gió Lào”, giờ đây đã biến thành điện với hàng loạt “cối xay gió”.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quân Chính hào hứng kể tôi nghe những dự án phong điện trên quê hương của ông. Cái nắng, cái gió bỏng rát của Quảng Trị, miền Trung ngày nào giờ đang biến thành tiền bạc với điện mặt trời, điện gió. Sau nhiều cố gắng, nỗ lực của chính quyền, nhân dân Quảng Trị, sự quyết tâm của nhà đầu tư, quý 3/2017, Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 tại Quảng Trị đã chính thức hoà lưới điện Quốc gia với công suất 30 MW Dòng điện gió Hướng Linh không chỉ đáp ứng nhu cầu điện của nhân dân Quảng Trị, hơn hết, nó mở ra hướng mới về khai thác nguồn năng lượng trời cho này. 

Huyện miền núi Hướng Hoá khó khăn ngày nào giờ như bừng tỉnh, khi cùng lúc có nhiều nhà đầu tư tìm tới xây “cối xay gió”, biến “gió Lào” bỏng rát thành điện, thành tiền. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Quân Chính, Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 - tầm nhìn 2030 do Bộ Công Thương phê duyệt tháng 6/2015, có 4 dự án trên vùng núi thuộc huyện Hướng Hóa với tổng công suất 110 MW tại địa bàn hai xã Hướng Linh, Hướng Phùng. Đó là những địa phương xa xôi, phía Tây Quảng Trị, đường sá đi lại còn hết sức khó khăn. Vì vậy, đáng mừng cho Quảng Trị khi có nhiều nhà đầu tư cùng “xắn tay” với tỉnh, một trong số đó là Công ty Tân Hoàn Cầu.

Ông Mai Văn Huế, Giám đốc Công ty Tân Hoàng Cầu say sưa kể với tôi rằng, Công ty cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu được thành lập vào đầu năm 2005, ban đầu ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng và xây dựng các công trình điện đến 500 kV, trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu các cơ hội, tiềm năng gió tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, ông đã quyết định chinh phục ngọn “gió Lào” nơi đây. Công ty đã cùng với đội ngũ các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế (chuyên gia của Vetas) nghiên cứu, tìm ra giải pháp tối ưu nhất nhằm cải tạo nguồn tài nguyên gió của Quảng Trị thành nguồn năng lượng điện sạch, không gây ô nhiễm môi trường.

Tháng 11/2015, UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý cho triển khai dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 tại thôn Hoong Coóc, xã Hướng Linh, thời hạn hoạt động 50 năm do Tân Hoàn Cầu đầu tư với tổng vốn 1.400 tỷ đồng, gồm 15 turbine gió. Bắt tay vào công việc, chúng tôi đã mời những nhà tư vấn hàng đầu thế giới về điện gió và quyết định nhập thiết bị dự kiến nhập từ CHLB Đức. công suất mỗi turbine là 2 MW, tổng công suất 30 MW. Thời gian từ giữa tháng 6/2016 khi có quyết định đầu tư, Công ty Tân Hoàn Cầu được Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) cấp, bão lãnh gói tín dụng cho Nhà máy Hướng Linh 2 là 900 tỷ đồng với thiết bị nhập khẩu. "Hơn một năm sau, chúng tôi đã hoà lưới điện Quốc gia, hoàn thành so với kế hoạch trước một năm, quá trình trả nợ ngân hàng và tiếp tục đầu tư vào dự án Hướng Linh 1. Điện gió cứ thế cuốn tôi đi" - ông Huế tâm sự.

Đến giờ này, có thể nói rằng, bên cạnh đầu tư khai thác lợi thế từ gió để biến thành điện năng, các dự án điện gió còn làm thay đổi diện mạo của một vùng quê nghèo - nơi dự án triển khai. Ngoài việc được hưởng lợi vì sử dụng điện năng từ dự án, người dân xung quanh nhà máy đã và đang được hưởng rất nhiều lợi ích thiết thực. Trong đó phải kể tới việc Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu đã đầu tư xây dựng tuyến đường Khe Van nối giữa hai xã Hướng Hiệp, Hướng Linh đến các thôn Hà Bạc, Kren, Trường Mầm non Hướng Linh, Hướng Hiệp, Làng Thanh niên lập nghiệp, với tổng số vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng.

Trước đây, mùa nắng người dân gặp nhiều khó khăn khi di chuyển trên các con đường đồi núi, mùa mưa không thể đi lại được, từ khi xây dựng con đường này, việc đi lại được thuận lợi hơn, rút ngắn khoảng cách từ nơi ở của người dân đến các trung tâm đô thị trong tỉnh. Nói cách khác, việc đầu tư xây dựng các dự án điện gió Hướng Linh của Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu đã và đang góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân nơi đây, nhất là người Vân Kiều - Pa Cô ở huyện Hướng Hóa. Cũng theo ông Huế, từ khi các dự án điện gió được triển khai đã thu hút được nguồn lao động lớn của tỉnh về làm việc, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động Quảng Trị.

Ông Quốc Hồ Hiệp Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị cho biết, đã có nhiều nhà đầu tư tìm tới Quảng Trị để nghiên cứu, đầu tư vào các dự án điện gió của tỉnh. Công ty cổ phần Thuỷ Điện Quảng Trị, Công ty cổ phần Việt Ren đã và đang khảo sát, thi công xây dựng lắp đặt thiết bị, dự kiến đưa vào vận hành cuối quý 4/2018 với dự án Hướng Phùng 1,2.

Giai đoạn sau 2020, Quảng Trị lập quy hoạch bổ sung, thực hiện đầu tư dự kiến thêm 21 dự án với tổng công suất khoảng 675 MW theo đề nghị của 7 nhà đầu tư, một tiềm năng to lớn của tỉnh Quảng Trị đã được đánh thức. Cũng theo ông Nghĩa, Quảng Trị rất vui mừng khi 6 dự án, tổng 180 MW của Tổng Công ty Tân Hoàng Cầu đang được Bộ Công Thương xem xét phê duyệt bổ sung quy hoạch.

Ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, địa phương khuyến khích các tổ chức, cá nhân với các hình thức sở hữu khác nhau tham gia vào việc phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn. Có thể nói, mỗi MW công suất nhà máy điện gió hàng năm đóng góp lên lưới điện quốc gia sản lượng điện sạch hơn 3 triệu kWh, tạo nguồn thu cả tỷ đồng cho ngân sách. Việc xây dựng các dự án điện gió, đặc biệt điện gió có quy mô công nghiệp đã và đang góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế Quảng Trị theo hướng bền vững. 


  • 06/03/2018 03:57
  • Nguồn: nangluongvietnam.vn
  • 1752