PV: Thưa ông! Ông đánh giá như thế nào về chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung?
Ông Nguyễn Thanh Đạt: Việc đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung là chủ trương mang tính chiến lược của Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), ngoài việc góp phần tăng cường nguồn điện cho khu vực còn là cơ sở quan trọng để xem xét giá mua điện từ các nhà máy điện mặt trời trong tương lai. Hiện nay, Chính phủ đã có chủ trương dừng đầu tư nhà máy điện nguyên tử, trong khi đó nguồn điện bổ sung từ các nhà máy thủy điện không còn nhiều, việc đầu tư nhà máy nhiệt điện, khí điện đạm... có giá thành cao nên tính về lâu dài thì năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng sạch và bền vững, có thể thay thế và bổ sung hiệu quả nguồn điện cho đất nước. Sản xuất điện từ năng lượng mặt trời trên quy mô công nghiệp đòi hỏi suất đầu tư lớn, nhưng thời gian hoàn thành dự án để đi vào phát điện thương mại nhanh và xu thế sẽ giảm giá vật tư thiết bị đầu vào nên hiệu quả đầu tư sẽ nâng lên rõ rệt. Dự án Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung không chỉ mang lợi nhuận kinh tế đơn thuần, mà còn mang ý nghĩa lớn về chính trị, xã hội. Thông qua dự án sẽ nâng cao ý thức đầu tư và phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch và bền vững, góp phần tuyên truyền tốt hơn chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ nguồn tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
PV: Ông có thể chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn khi triển khai dự án này?
Ông Nguyễn Thanh Đạt: Dự án Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung là dự án đầu tiên do EVNCPC làm chủ đầu tư được xây dựng tại xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Ban QLDA Điện nông thôn miền Trung là đơn vị được giao thay mặt chủ đầu tư quản lý điều hành dự án này. Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 70ha với quy mô công suất thiết kế 50 MW, sản lượng điện ước tính 83 GWh/năm. Tổng mức đầu tư của nhà máy khoảng 1.372 tỷ đồng. Dự án Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung có các hạng mục chính gồm hơn 190 nghìn tấm pin quang điện, hệ thống Inverter, trạm biến áp nâng 22/110kV và đường dây 110 kV để đấu nối vào thanh cái 110 kV trạm biến áp E28 Cam Ranh hiện có. Hệ thống điều khiển, giám sát, thu thập số liệu từ xa (SCADA), nhà quản lý vận hành, hệ thống đường giao thông nội bộ, thông tin liên lạc, hệ thống camera, chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy và một số hệ thống phụ trợ khác.
Thuận lợi lớn nhất đó là đã có chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch của Chính phủ, của EVN và EVNCPC, trong đó có cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay và đảm bảo đầu ra cho nguồn năng lượng này. Cùng với đó, lãnh đạo EVNCPC thể hiện rõ quyết tâm đi tiên phong trong phát triển năng lượng mặt trời trong toàn EVN nên đã hết sức quan tâm đầu tư cho dự án. Ngoài ra, dự án cũng đã được UBND tỉnh Khánh Hòa ủng hộ và nhân dân trong vùng dự án đồng thuận cao. Khu vực xây dựng nhà máy được chọn khá hợp lý, không nằm trong khu vực bị bão lũ, cường độ bức xạ mặt trời trung bình đo được 5,34 kWh/m2/ngày là khá cao, hướng mặt trời lên xuống không bị đồi núi che khuất các tấm pin, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng thấp, rất thuận lợi để triển khai thực hiện dự án.
Với gần 20 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ cán bộ nhân viên của CPCCREB đã có đủ năng lực và kinh nghiệm trong công tác quản lý dự án quan trọng, đặc biệt là các dự án lớn như dự án cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn, xã đảo Cù Lao Chàm từ lưới điện Quốc gia bằng cáp ngầm và các dự án công nghệ cao nên thuận lợi trong triển khai dự án. Trong quá trình điều hành dự án, chắc chắn cũng sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định, nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng CPCCREB sẽ tích cực, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, nhân dân trên địa bàn nhằm giải quyết các vướng mắc để đưa dự án sớm hoàn thành, đáp ứng sự kỳ vọng của lãnh đạo EVNCPC.
PV: Xin ông cho biết công tác chuẩn bị đầu tư cho Dự án Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung đã được CPCCREB triển khai như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Đạt: Vừa qua, CPCCREB đã phối hợp với UBND huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa tổ chức công bố đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung. Trước đó, dự án đã được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận chủ trương đầu tư và được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án cũng đã được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt ĐTM và đơn giá đền bù, hiện tại một số hạng mục của dự án đã được triển khai thi công. Để chuẩn bị cho quản lý vận hành sau này, EVNCPC đã giao nhiệm vụ cho CPCCREB triển khai công tác chuẩn bị sản xuất như tuyển dụng lao động, xây dựng mô hình tổ chức và nhân lực, tổ chức đào tạo cấp chứng nhận vận hành đúng tiêu chuẩn và trình độ chuyên môn theo quy định. Với tinh thần lao động tận tâm, trách nhiệm, đoàn kết và đổi mới, CPCCREB sẽ tập trung mọi nguồn lực để đưa Dự án Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung hoàn thành đúng tiến độ, kịp thời bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện Quốc gia.
PV: Xin cảm ơn ông!