Các dự án công trình xanh đạt chuẩn không lo ế

Đó là nhận định của ông Nguyễn Trung Kiên – Chuyên gia tư vấn, thiết kế công trình xanh Công ty CP Đầu tư & Xây dựng (VILANDCO) khi trao đổi với tietkiemnangluong.vn . Chuyên gia Nguyễn Trung Kiên cũng tin tưởng, người dân sẵn sàng bỏ tiền mua căn hộ đạt chuẩn công trình xanh với giá cao hơn mức giá căn hộ thông thường nếu hiểu được hiệu quả mà công trình xanh mang lại.

Ông Nguyễn Trung Kiên

PV: Thưa ông, các chủ đầu tư sẽ đạt được những lợi ích gì khi phát triển dự án theo hướng công trình xanh?

Ông Nguyễn Trung Kiên: Có rất nhiều lợi ích khi chủ đầu tư thực hiện dự án của mình đạt tiêu chuẩn công trình xanh như: Hiệu quả vận hành công trình, thống kê cho thấy, trung bình cứ một công trình xanh có thể tiết kiệm khoảng 30% điện năng, tiết kiệm 30 - 50% lượng nước sinh hoạt. Ngoài ra còn giúp bảo vệ môi trường do giảm được từ 50 - 90% rác thải ra môi trường và giảm 35% phát thải carbon.

Với các chủ đầu tư trực tiếp vận hành công trình như: Trụ sở văn phòng, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, nhà máy, việc tiết kiệm này sẽ là lợi ích trực tiếp đối với họ. Cùng với đó là lợi ích nâng cao chất lượng sống và môi trường làm việc.

Một lợi ích nữa mà tôi muốn nêu đó là: Công trình xanh là công cụ marketing cho các chủ đầu tư bất động sản, tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình nhằm nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu của tổ chức. Đối với các tổ chức có những cam kết với cộng đồng và bảo vệ môi trường, việc thực hiện dự án công trình xanh là cách tốt nhất để thể hiện cam kết của họ.

PV: Các chủ đầu tư cho rằng đầu tư phát triển công trình xanh tốn hơn công trình thông thường, cũng như thời gian hoàn vốn lâu. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Ông Nguyễn Trung Kiên: Theo thống kê của Hội đồng công trình xanh thế giới, xây dựng công trình xanh có thể không phát sinh chi phí hoặc có thể tăng tối đa 10% chi phí so với công trình thông thường, tùy theo từng dự án cụ thể.

Ở Việt Nam, chưa có nhiều công trình xanh để sử dụng cho việc phân tích và thống kê. Nhưng, những đánh giá sơ bộ của Hội đồng công trình xanh Việt Nam cơ bản cũng theo xu thế này.

PV: Vậy sẽ có những chi phí phát sinh cho việc thực hiện các dự án công trình xanh, thưa ông?

Ông Nguyễn Trung Kiên: Việc này là có, vì chi phí có thể xuất phát từ các vấn đề như việc chứng nhận cấp độ công trình xanh. Đối với mức thấp của chứng nhận công trình xanh (chứng nhận Bạc), thường không phát sinh chi phí hoặc nếu có thì rất ít, do các dự án hiện nay đa phần đã tiệm cận được ở mức này, như việc sử dụng tường gạch không nung, kính Low-e, đèn Led, điều hòa VRV... Với chứng nhận Vàng có thể phát sinh từ 3 - 5% chi phí và từ 5 - 10% chi phí với chứng nhận Bạch Kim (mức cao nhất). Thời gian hoàn vốn cho các giải pháp áp dụng theo chuẩn của công trình xanh theo thống kê trung bình là từ 3 - 8 năm.

Ngoài ra, nếu chủ đầu tư quan tâm tới việc thực hiện dự án theo chuẩn công trình xanh, cần thực hiện ngay từ bước thiết kế ý tưởng hoặc thậm chí sớm hơn nhằm đảm bảo tất cả các mục tiêu đều đáp ứng yêu cầu đối với công trình xanh cũng như việc tính toán tối ưu cho việc thực hiện các mục tiêu.

Hệ thống kỹ thuật của công trình xanh cũng sẽ giảm được chi phí đầu tư đáng kể nếu chủ đầu tư thiết kế kiến trúc theo hướng: Tập trung vào giải pháp thiết kế kiến trúc, hình dạng, kích thước, hướng tòa nhà, lớp vỏ của công trình nhằm đạt tới sự tiện nghi, tiết kiệm năng lượng một cách tự nhiên. Các giải pháp này thường ít tốn kém hơn, không tiêu thụ (hoặc rất ít) năng lượng và theo lý thuyết, không bị hỏng hóc.

Với thị trường mới phát triển như Việt Nam, các vật liệu và thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường chưa thực sự phổ biến và giá thành khá cao do phải nhập khẩu từ nước ngoài… Đây cũng là yếu tố dẫn đến việc phát sinh chi phí cho việc thực hiện dự án công trình xanh.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!