Các tỉnh ĐBSCL: Trải thảm đỏ đón các nhà đầu tư năng lượng tái tạo

Với sự tăng trưởng của các ngành kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng kéo theo nhu cầu sử dụng điện tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng tăng. Tuy nhiên hiện nay, nguồn nhiên liệu hóa thạch để phát điện ngày càng giảm vì vậy việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp bền vững để ĐBSCL có nguồn điện đảm bảo cho sinh hoạt, phục vụ phát triển kinh tế.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết, trong những năm qua, nhu cầu sử dụng điện để phục vụ phát triển nông nghiệp của Tiền Giang ngày càng gia tăng, chủ yếu là sử dụng điện để xông cây thanh long ra hoa trái vụ và phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Thống kê của Sở Công Thương Tiền Giang cho thấy, năm 2017, sản lượng điện năng tiêu thụ phục vụ xông thanh long ra hoa trái vụ khoảng 88,8 triệu kWh (chiếm 3,8% tổng sản lượng tiêu thụ toàn tỉnh), phục vụ nuôi trồng thủy sản khoảng 52,4 triệu kWh (chiếm 2,3% tổng sản lượng tiêu thụ điện toàn tỉnh).

Theo quy hoạch của tỉnh Tiền Giang, dự kiến đến năm 2020 diện tích trồng thanh long vào khoảng 7.000-8.000ha, diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 15.820ha. Như vậy, cùng với sự tăng trưởng của các ngành kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Trong khi đó, nguồn nhiên liệu hóa thạch để phát điện ngày càng giảm nên phát triển nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời là một trong những giải pháp bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

“Tiền Giang có 32km bờ biển, có vận tốc gió bình quân năm khoảng 5-5,75m/giây, số giờ nắng là 2.501 giờ/năm, nhiệt độ trung bình là 27,8oC… Đây là lợi thế để nghiên cứu tiềm năng về nguồn năng lượng tái tạo. Dù hiện nay Tiền Giang chưa có dự án đầu tư phát triển năng lượng tái tạo nhưng theo xu thế chung của vùng, UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho một số nhà đầu tư khảo sát, lắp đặt trạm quan trắc phục vụ cho mục đích nghiên cứu để lập các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh”, đại diện Sở Công Thương Tiền Giang cho hay.

Tại Bạc Liêu, để phát huy lợi thế tự nhiên, đồng thời để tạo cơ sở pháp lý nhằm thu hút đầu tư đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo, tỉnh này đã xây dựng “Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030” và đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Trong đó có xác định tiềm năng phát triển các dự án điện gió giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 của Bạc Liêu dự kiến là 2.507 MW và mục tiêu đến năm 2020, công suất lắp đặt tích lũy đạt 401 MW, với sản lượng điện gió tương ứng là 882 triệu kWh.

Liên quan đến việc phát triển điện gió, Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu cho biết, Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu (giai đoạn I và II) của Công ty TNHH Xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý đã được đầu tư xây dựng hoàn thành vào cuối năm 2016, với quy mô 62 trụ turbine gió, công suất 99,2 MW, đến nay đã hòa lưới điện quốc gia khoảng 570 triệu kWh. Đây là dự án điện gió có quy mô lớn nhất Việt Nam đến thời điểm hiện nay. Để đầu tư mở rộng dự án, Công ty Công Lý đang triển khai giai đoạn III Nhà máy điện gió Bạc Liêu, gồm 71 trụ turbine gió, công suất 142 MW. Nhà máy điện gió Bạc Liêu hoàn thành đi vào hoạt động đã góp phần tăng thu ngân sách tỉnh hàng năm khoảng 60 tỷ đồng, đẩy mạnh kết hợp khai thác điện gió và du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngoài dự án trên, UBND tỉnh Bạc Liêu đã có chủ trương cho phép 7 nhà đầu tư trong và ngoài nước được tiếp cận, khảo sát, nghiên cứu lập dự án khả thi đầu tư điện gió trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó cũng có nhiều nhà đầu tư tiềm năng đến từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… đang tiếp tục xin khảo sát, nghiên cứu để phát triển điện gió tại tỉnh này.

Theo Sở Công Thương Bạc Liêu, với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, trong thời gian tới, Bạc Liêu sẽ tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, nhằm tìm kiếm các đối tác đầu tư phát triển điện gió trên các khu vực đã quy hoạch; cập nhật bổ sung quy hoạch các dự án điện mặt trời, điện gió phù hợp với tiềm năng của tỉnh… “Trước mắt tỉnh sẽ cho phép các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát, sau đó tùy theo quy mô đề nghị của nhà đầu tư, tỉnh sẽ xử lý hoặc đề xuất Thủ tướng Chính phủ xử lý chủ trương đầu tư các dự án này”, đại diện Sở Công Thương Bạc Liêu khẳng định.

Tại Bến Tre, nhằm chuyển đổi một phần diện tích đất canh tác muối kém hiệu quả (gần 1.000ha), tỉnh Bến Tre có chủ trương cho các nhà đầu tư điện mặt trời đến tìm hiểu, khảo sát thực hiện các thủ tục bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, tiến hành đầu tư các dự án điện mặt trời nối lưới có quy mô khá lớn trên địa bàn.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cho hay, UBND tỉnh Bến Tre đã cấp chủ trương đầu tư cho 9 nhà đầu tư thực hiện các dự án điện gió với quy mô công suất 470 MW, vốn cam kết trên 940 triệu USD và có 4 dự án điện mặt trời đang trình Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch. Với quy mô công suất nêu trên từ nguồn năng lượng tái tạo, nếu đuợc triển khai sẽ là cơ hội để tỉnh Bến Tre có điều kiện phát triển ngành công nghiệp sản xuất điện với nguồn năng lượng sạch, không ô nhiễm môi trường.

Tương tự, tỉnh Sóc Trăng được Bộ Công Thương phê duyệt 22 vị trí về điện gió, với diện tích khảo sát 35.740ha, quy mô công suất 1.470 MW. Tính đến nay, đã có 19 nhà đầu tư đăng ký, tiếp nhận, khảo sát và lập dự án tại các vị trí quy hoạch phát triển điện gió của tỉnh. Trong đó, có 2 nhà đầu tư hoàn thành thủ tục và đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Hiện tỉnh đang xúc tiến và hoàn thành quy hoạch tổng thể về điện mặt trời.

Ông Võ Văn Chiêu - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, Sóc Trăng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh và hàng tuần đều có nhà đầu tư đến khảo sát đất, khí hậu và môi trường để tiến hành đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ chọn nhà đầu tư có năng lực cao nhất nhằm phát huy hiệu quả của các dự án. 

Mặc dù được các nhà đầu tư tìm hiểu, quan tâm đầu tư nhưng các Sở Công Thương các tỉnh cho rằng, các dự án năng lượng tái tạo hiện triển khai tương đối chậm, chưa đảm bảo tiến độ đề ra. Nguyên nhân được Sở Công Thương Bến Tre chỉ ra là suất đầu tư dự án điện gió quá lớn so với khả năng tài chính của doanh nghiệp trong nước (bình quân 2 triệu USD/MW). Do vậy cần có sự liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với nhà đầu tư nước ngoài mới có khả năng triển khai được dự án.

Ngoài yếu tố trên, theo các Sở Công Thương, hiện giá bán điện theo Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg tương đối thấp, chưa được điều chỉnh làm hiệu quả dự án thiếu khả thi, chưa hấp dẫn nhà đầu tư nên các tổ chức tín dụng còn e ngại khi hợp tác thực hiện dự án. Vì vậy, các Sở Công Thương kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm ban hành chính sách điều chỉnh giá mua điện gió tạo sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư để dự án được triển khai nhanh.


  • 16/05/2018 02:57
  • Nguồn: http://baocongthuong.com.vn
  • 1134