Cơ hội khai thác năng lượng tái tạo từ các tháp viễn thông

Ước tính có khoảng hơn 3 triệu tháp viễn thông trên khắp thế giới. Nếu phần lớn trong số này lắp đặt hệ thống năng lượng tái tạo sẽ tiết kiệm một khoản không nhỏ cho các công ty viễn thông.

Một tháp viễn thông được lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời. Ảnh: THEnergy.

Hiện nay, nhiều “ông lớn” trong ngành viễn thông như AT & T, T-Mobile, BT, Euskaltel hay Telstra… đều đã ký những thỏa thuận mua điện với các công ty lớn chuyên sản xuất năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) cho thấy, lượng năng lượng tái tạo mà các các công ty viễn thông trên toàn cầu sử dụng còn khá khiêm tốn, chỉ khoảng 7%. Bên cạnh đó, cũng chỉ có 26% số lượng các công ty cho biết có mong muốn chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo. 

Thực tế này cho thấy sự lãng phí lớn, bởi các tháp viễn thông là một nơi tuyệt vời để khai thác năng lượng tái tạo, đặc biệt với những tháp ở xa.

Thông thường, các tháp viễn thông này phải sử dụng nguồn điện từ máy phát điện chạy dầu diesel đòi hỏi chi phí đáng kể cho hoạt động và bảo trì.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, nếu lắp đặt hệ thống năng lượng tái tại các tháp viễn thông, nguồn điện sản xuất tại chỗ sẽ đáp ứng cho chính hoạt động của tháp viễn thông đó, đồng thời nếu dư ra có thể bán cho các công ty điện lực, hoặc tích dự phòng để dùng khi có sự cố. Lúc này, máy phát điện chạy bằng dầu diesel sẽ trở thành nguồn khẩn cấp, rất ít khi phải sử dụng tới.

Với cách làm này, các công ty viễn thông sẽ vừa tiết kiệm chi phí bởi giá điện rẻ hơn, vừa giảm thiểu khí thải CO2 phát ra môi trường.

Rào cản lớn nhất của việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại các tháp viễn thông là chi phí đầu tư ban đầu cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có ngày càng nhiều nhà sản xuất điện độc lập (IPP) tham gia đầu tư vào năng lượng tái tạo. Nhờ sự cạnh tranh đó, chi phí đầu tư hệ thống ngày càng rẻ hơn và giá điện tái tạo thấp hơn.


  • 19/03/2019 03:05
  • Hồng Minh (Theo renewableenergyworld.com)
  • 1953