Cơ sở sản xuất sản phẩm phân hữu cơ mụn dừa ở Cầu Kè tăng lợi nhuận nhờ tiết kiệm điện

Cơ sở sản xuất của ông Lâm Kim Bình đặt tại Khóm 2, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, bắt đầu hoạt động năm 2018. Tuy quy mô nhỏ, nhưng sản phẩm phân hữu cơ mụn dừa của ông được đông đảo giới nhà vườn, người trồng hoa kiểng trong và ngoài huyện biết đến. Nguyên nhân chính là giá sản phẩm phù hợp, luôn thấp hơn so với sản phẩm cùng loại và cùng trọng lượng so với những nơi khác. Đó là nhờ cơ sở đã tiết kiệm điện, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm so với giá bình quân của thị trường.

Ông Lâm Kim Bình sản xuất phân hữu cơ mụn dừa.

Gia đình ông Lâm Kim Bình có cơ sở chuyên kinh doanh dừa sáp Vinh Hoa, cùng tọa lạc tại Khóm 2, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè. Trước năm 2018, vỏ dừa sáp hàng ngày bán từ 150-250 trái, nhưng không biết đổ bỏ ở đâu, phần lớn cho người dân san lắp. Xét thấy như vậy uổng phí, có lúc tồn đọng, dự trữ nhiều vừa ô nhiễm môi trường, vừa tiềm ẩn rủi ro hỏa hoạn, nên ông quyết định đầu tư thiết bị sản xuất phân hữu cơ mụn dừa. Ban đầu, chủ yếu phục vụ nhu cầu bón cho vườn cây ăn trái của gia đình, sau đó “chia” lại cho người dân quanh xóm. Khi nhu cầu sử dụng phân càng nhiều, cơ sở cũng tăng cường hoạt động.

Hiện nay, cơ sở hoạt động không xuyên suốt, thời gian không ổn định, do phụ thuộc vào số lượng đặt hàng, nên không tính được số tiền tiết kiệm điện cụ thể hàng tháng, nhưng theo ông Lâm Kim Bình: Công suất sản xuất bình quân 8-10 bao/giờ, mỗi bao 30kg, giá bán 50.000 đồng/bao. Trong khi đó, cùng sản phẩm, cùng trọng lượng, tại địa phương các cơ sở khác bán từ 54.000-55.000 đồng/bao. Khoảng chênh lệch giá này chính là nhờ ông tiết kiệm điện trong quá trình sản xuất.

Ông Lâm Kim Bình cho biết, phương pháp tiết kiệm điện của cơ sở rất đơn giản. Những khi có các đơn đặt hàng hàng nhỏ lẻ, với số lượng ít, ông chủ động thương lượng với khách về thời gian giao. Khi số lượng đặt hàng nhiều, thời gian từ 02 giờ trở lên mới hoạt động. Như vậy, hạn chế được lượng điện năng tiêu thụ do phải tắt mở máy nhiều lần. Mặt khác, khi có nắng, ông phơi nguyên liệu (vỏ dừa) thật khô, dự trữ sẵn, khi có đơn đặt hàng sẽ cho máy hoạt động. Nguyên liệu khô, máy hoạt động đạt công suất cao nhất, ít tổn thất điện năng và sản phẩm được khách hàng ưa chuộng.

 

 


  • 05/06/2020 11:30
  • Trường Hiếu
  • 1426