Công bố đánh giá môi trường biển miền Trung

Sáng 22/8 tại Quảng Trị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội nghị công bố hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, sau sự cố xả thải của Formosa gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng.

  Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị công  bố hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Bộ TN&MT

Theo kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quan trắc đánh giá hiện trạng, diễn biến và mức độ ô nhiễm của môi trường biển, hệ sinh thái và ven biển 4 tỉnh miền Trung cho thấy, các thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn khu vực nằm trong giới hạn quy định quy chuẩn Việt Nam, đạt chuẩn với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.

Hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đang có xu hướng giảm. Hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản ở khu vực sau những tác động của sự cố môi trường bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô, nay bắt đầu có sự phục hồi tích cực.

Về chất lượng hải sản đánh bắt, theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, từ ngày 28/4 đến tháng 8/2016, kết quả kiểm nghiệm đánh giá mức độ an toàn của các mẫu hải sản lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy, hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian.

Đến thời điểm hiện tại, các thông số đặc trưng của môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh.

Đại diện Bộ Y tế có mặt tại hội nghị cho biết, trong thời gian qua Bộ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy mẫu hải sản, giám sát chất lượng. Theo đó, từ tháng 6 đến nay, kết quả giám sát bước đầu cho thấy chất ô nhiễm trong các mẫu đã giảm dần.

Đại điện của Bộ Y tế cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh giám sát chất lượng hải sản, khi có kết quả sẽ công bố rộng rãi.

Đại diện một số nhà khoa học có mặt tại Hội nghị để nghị hoạt động giám sát Formosa cần phải chặt chẽ, đảm bảo chắc chắn không xả thải tiếp, nếu không các quá trình nghiên cứu sẽ không còn ý nghĩa.

Trước đó, cuối tháng 6 vừa qua, đại diện Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh‎ (FHS) đã thừa nhận việc xả thải gây ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Doanh nghiệp này đã xin lỗi công khai và chấp nhận đền bù 500 triệu USD để khắc phục hậu quả. Hiện một nửa số tiền đền bù đó đã được phía Formosa chuyển cho phía Việt Nam.


  • 22/08/2016 04:14
  • Ngọc Tuấn
  • 2376