Công nghệ mới biến bèo tây thành khí gas dân dụng

Theo Reuters, Công ty năng lượng Kenya Biogas International (KBI) hiện đang hợp tác hãng dược phẩm AstraZeneca và Đại học Cambridge (Anh) thực hiện dự án biến bèo tây thành nhiên liệu sinh học dùng cho nấu ăn. Dự án này sử dụng công nghệ khí sinh học, giải quyết nạn bèo tây xâm lấn thành nhiên liệu hữu ích, vừa bảo vệ môi trường vừa mang lại hiệu quả năng lượng.

Công nghệ biến bèo tây thành khí gas dân dụng. Nguồn ảnh: Reuters

Đến nay, dự án đã cung cấp 50 lò khí sinh học cho các hộ gia đình ở thành phố Kisumu, miền Tây Kenya giúp các hộ gia đình chuyển đổi từ dùng củi hoặc than tổ ong độc hại sang dùng khí sinh học. Một số gia đình đã được cấp bếp gas theo chương trình dự án, để thay thế cho bếp jiko dùng than củi.

Theo các hộ dùng khí sinh học bèo tây không khói, không mùi và nấu nhanh hơn so với bếp than.

Giám đốc điều hành KBI - Dominic Kahumbu cho hay, bèo tây nguyên liệu qua xử lý sơ bộ được đưa vào máy do Biogas International thiết kế chế tạo để phân hủy và sinh khí gas. Trung bình, cứ 2-3 kg bèo tây được vớt từ hồ lên có thể cung cấp năng lượng cho một bếp nấu trong 4 giờ.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành KBI cho biết, thiết bị phân hủy chất thải để tạo khí sinh học có giá khá cao (650 USD/chiếc), chưa phù hợp với các gia đình ở đây vì GDP bình quân đầu người ở Kenya chỉ hơn 1.800 USD (năm 2020).

Bèo tây (Eichhornia crassipes) còn được gọi là lục bình, hay bèo Nhật Bản là một loài thực vật thuỷ sinh, sống nổi theo dòng nước và phát triển rất nhanh, gây xâm lấn môi trường, tác động đến các loài sinh vật khác.

 

 

 

 

 


  • 23/08/2021 03:31
  • Khắc Nam (Theo Reuters- 8/2021)
  • 946