Đầu tư nhiều dây chuyền chế biến công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng
Theo ông Lưu Xuân Bá - Phó giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long, việc Công ty mạnh dạn đầu tư nhiều dây chuyền chế biến lúa, gạo như: Dây chuyền sấy lúa, dây chuyền máy xay lúa, dây chuyền xát trắng lau bóng, dây chuyền ép viên trấu,… là việc làm thành công của công ty trong việc tiết kiệm năng lượng.
Để rút ngắn thời gian sấy, Công ty đã đầu tư lắp đặt cụm tầng sôi nhằm giảm độ ẩm của lúa và làm sạch các tạp chất bám vào vỏ lúa trước khi đưa vào các tháp sấy. Với lúa có ẩm độ từ 25 - 30%, sau khi qua cụm sấy tầng sôi ẩm, trong thời gian 3 phút, nhiệt độ sấy 80 độ C. Khi ra lò độ ẩm đã giảm, chỉ còn lại là 20%. Cách xử lý này, đã rút ngắn được thời gian sấy lúa khi đưa vào các tháp sấy, tiết kiệm đáng kể lượng nhiên liệu dùng cho sấy và lò đốt.
Tương tự, một dây chuyền xát trắng, lau bóng gạo có quy mô lớn, năng suất 32 – 48 tấn nguyên liệu/giờ, tương đương 1.000 tấn nguyên liệu/ngày, đã được công ty đầu tư mới hoàn toàn, theo công nghệ hiện đại. Ông Lưu Xuân Bá cho biết, các thiết bị máy móc trong dây chuyền được chọn đúng công suất và kiểu động cơ phù hợp với chế độ làm việc chung cho cả dây chuyền, hiệu suất cao, các động cơ được lắp đặt biến tần để giúp điều chỉnh tốc độ của động cơ, hạn chế dòng khởi động, nâng cao độ bền và giảm điện năng tiêu thụ.
Tùy theo yêu cầu chế biến của từng loại gạo mà tiến hành giảm bớt công suất tiêu thụ điện của một số thiết bị bằng cách ngắt bớt hoạt động của một số động cơ trong dây chuyền máy khi không cần thiết. Đó là những trường hợp sản xuất gạo chỉ cần lau bóng mà không cần qua xát.
|
Nhiều dây chuyền chế biến công nghệ cao đã được Công ty Lương thực Vĩnh Long đầu tư nhằm tăng năng suất và tiết kiệm năng lượng - Ảnh: CTV. |
Bên cạnh đó, công ty thường xuyên hạn chế tối đa sản xuất vào giờ cao điểm, tăng cường hoạt động sản xuất giờ thấp điểm để tiết kiệm năng lượng điện, vì nếu sản xuất vào giờ cao điểm năng lượng điện tiêu thụ của các thiết bị sẽ tăng do lưới điện cung cấp dễ bị sụt áp, đồng thời giá điện sản xuất vào giờ cao điểm cũng rất cao. Vì vậy, công ty đã đầu tư lắp đặt thùng chứa để đảm bảo cho dây chuyền có thể hoạt động liên tục vào giờ thấp điểm tránh tồn đọng nguyên liệu vào mùa vụ.
Ngoài việc tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất, công ty cũng đã tận dụng nguồn sáng và thông gió tự nhiên bằng cách lắp đặt các cửa sổ di động trên mái kho để hạn chế tối đa sử dụng các đèn chiếu sáng và quạt thông gió.
Công nghệ và con người - 2 yếu tố quyết định
Việc Công ty Lương thực Vĩnh Long mạnh dạn đầu tư nhiều dây chuyền chế biến công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất là một minh chứng cho thấy việc đầu tư đúng hướng của công ty, trong việc đầu tư cho những dây chuyền chế biến lúa, gạo mới.
Theo ông Lưu Xuân Bá - Phó giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long, thành công quan trọng nhất trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng của công ty đó là mạnh dạn đầu tư dây chuyền ép viên trấu có năng suất 4 tấn/giờ cung cấp trấu viên cho các lò đốt, lò sấy.
Trấu viên khi đốt cháy hoàn toàn (do thành phần chất sơ vỏ trấu chiếm khoảng 75%), dễ bén lửa, khi cháy không có khói và mùi tỏa ra dễ chịu. Về mặt kinh tế 1kg trấu viên khi đốt sẽ tỏa ra nhiệt trị khoảng 3.600 đến 4.200 kcal/kg với giá bán sản phẩm hiện nay khoảng 1.250 đồng/kg thì khi dùng trấu viên để đốt sẽ tiết kiệm được 50% chi phí nhiên liệu so với dùng dầu DO và 40% chi phí so với than đá.
Không chỉ dừng lại trong việc đầu tư đồng bộ khép kín trong dây chuyền sản xuất, Công ty Lương thực Vĩnh Long đã nhận thức rõ, con người là yếu tố quan trọng nhất trong việc tiết kiệm năng lượng điện. Vì thế, Công ty đã có nhiều lớp đào tạo, tuyên truyền, giáo dục về tiết kiệm năng lượng cho các CB-CNV, nhất là đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nhằm nâng cao tay nghề, ý thức đáp ứng được nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra.