Cửa hàng điện máy nhỏ: Liệu còn chỗ đứng?

Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng mua sắm điện máy tại các siêu thị lớn. Vậy các cửa hàng điện máy quy mô nhỏ liệu còn chỗ đứng trong thị trường?

Các cửa hàng điện máy nhỏ hiện vẫn có sức sống riêng - Ảnh minh họa (Nguồn Internet).

Với diện tích chưa đầy 50 m2, bán gần 1.000 mặt hàng điện máy thiết yếu, sau 5 năm kinh doanh, cửa hàng điện máy của anh Nguyễn Việt Hùng tại phường Bưởi, quận Tây Hồ vẫn duy trì lượng khách hàng ổn định với doanh thu bình quân trên dưới 6 triệu đồng/ngày.

Anh Hùng cho biết: “Đầu tư hơn 400 triệu đồng, mở cửa hàng điện máy gần khu dân cư, sau gần 2 năm tôi đã thu hồi được vốn. Trước khi kinh doanh, không ít người cho rằng, như vậy là mạo hiểm vì khó cạnh tranh với các trung tâm, siêu thị điện máy lớn gần đó. Song, với kinh nghiệm có được, cùng với địa điểm thuê nằm ngay khu dân cư đông đúc, tôi vẫn tin cửa hàng sẽ đứng vững được”.

Sống tại khu vực dân cư có nhiều người nước ngoài (người châu Á), chị Vũ Thanh Hương (quận Cầu Giấy) cũng đã chọn mở hàng điện máy hướng đến phục vụ đối tượng này.

Trao đổi với Thế giới điện, chị Hương cho biết, các cửa hàng điện máy quy mô nhỏ có sức sống riêng bởi luôn gắn với thói quen mua nhanh, bán nhanh, đi lại thuận tiện của người dân. “Không phải ai cũng thích mua sắm tại siêu thị điện máy hoặc trung tâm thương mại. Đó là mô hình hiện đại và mang tính tham quan nhiều hơn”, chị Hương nói.

Khảo sát tại một số cửa hàng điện máy nhỏ trên địa bàn Hà Nội có thể thấy, đa phần hàng hóa được bày bán là những vật dụng thiết yếu trong gia đình từ những đồ gia dụng nhỏ như đèn pin, ổ điện, bình đựng nước, quạt mini, máy lọc nước, máy giặt, TV loại nhỏ...

Đặc biệt, các sản phẩm ở đây đều có giá khá rẻ, như một chiếc máy lọc nước thương hiệu Việt giá chỉ hơn 200.000 đồng. Cùng sản phẩm này tại các siêu thị điện máy lại bán với giá thấp nhất là 500.000 đồng/chiếc. Bên cạnh đó, một số cửa hàng còn áp dụng mô hình bán thêm sản phẩm điện máy cũ, giá chỉ bằng một phần ba hoặc một nửa so với sản phẩm mới.

Trao đổi về quan điểm của mình, Tiến sỹ Đào Xuân Khương, chuyên gia tư vấn thị trường bán lẻ tại Hà Nội, tác giả cuốn sách “Mô hình phân phối và bán lẻ” nhận định: “Đa phần người tiêu dùng chọn mua hàng ở những trung tâm điện máy có thương hiệu, không gian mua sắm mát mẻ, được chăm sóc, dịch vụ hậu mãi tốt… Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận khách hàng chọn cửa hàng điện máy truyền thống do ở đó có những sản phẩm họ cần và giá cả phù hợp với túi tiền. Song, do nguồn vốn ít, việc luân chuyển hàng hóa chậm nên nhiều cửa hàng nhỏ lẻ, lượng hàng tồn nhiều, sản phẩm thiếu đa dạng. Người tiêu dùng cần xem xét kỹ về chất lượng, tránh mua phải những sản phẩm cũ”.


  • 09/03/2017 02:12
  • Theo: Chuyên đề Thế giới điện
  • 11780