Cung cấp nước bằng năng lượng mặt trời: Hiệu quả nhưng giá cao

Đầu tư hệ thống cấp nước bằng năng lượng mặt trời là giải pháp hiệu quả để đưa nước sạch đến khu vực nông thôn trong điều kiện lưới điện ở khu vực này còn thiếu; tuy nhiên, do chi phí cao khiến cho hệ thống này chưa đến được nhiều hộ dân.

Tại hội nghị “Tổng kết dự án cấp nước bằng năng lượng tái tạo cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” vừa được tổ chức tại Cần Thơ, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ khẳng định: “Dự án cấp nước bằng năng lượng tái tạo là giải pháp hiệu quả, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch và ổn định cho khu vực nông thôn”.

Hệ thống cấp nước bằng năng lượng mặt trời sẽ giúp cung cấp nước ổn định hơn cho khu vực nông thôn. Trong ảnh: ông Lê Thanh Hải, đại diện của Công ty Grundfos Việt Nam trình bày tại hội nghị.

Theo ông Quỳnh, trạm cấp nước ở nông thôn đã được các địa phương trong vùng đầu tư nhưng thường xuyên thiếu nước do xảy ra tình trạng mất điện. “Còn với hệ thống mới này, dù chi phí đầu tư cao nhưng tạo ra nguồn năng lượng ổn định nên việc cung cấp nước sẽ được bảo đảm thường xuyên hơn”, ông Quỳnh cho biết.

Cơ chế hoạt động của hệ thống này là biến năng lượng của ánh nắng mặt trời thành điện năng để chạy hệ thống máy bơm ở các trạm cấp nước, đưa nguồn nước sạch đến người dân.

Ông Lê Thanh Hải, đại diện Công ty Grundfos Việt Nam: Áp dụng hệ thống cấp nước bằng năng lượng mặt trời cho khu vực nông thôn sẽ có lợi rất nhiều mặt, thứ nhất giúp tiết kiệm được điện, thứ hai giải quyết được những vấn đề Chính phủ đang cần như tăng khả năng phát điện nhưng không cần xây dựng thêm nhà máy điện (nhất là thủy điện và nhiệt điện than). “Đặc biệt, qua thử nghiệm ở nhiều nơi cho thấy khả năng cấp điện, vận hành máy bơm và cung cấp nước của hệ thống này đều đạt yêu cầu so với thiết kế”, ông cho biết.

Thực tế, theo kết quả khảo sát của Công ty Grundfos Việt Nam, ở trạm cấp nước Nhơn Ái (Cần Thơ), có công suất thiết kế bình quân là 50 m³/ngày thì kết quả cung cấp bình quân đạt được đã là 46 m³/ngày, trong đó mùa nắng đạt 54 m³/ngày và mùa mưa là 38 m³/ngày. “Như vậy, cơ bản có thể đáp ứng được yêu cầu vì mùa nắng nước cung cấp đã vượt so với bình quân thiết kế ban đầu và mùa mưa tuy có giảm nhưng người dân có thể bổ sung bằng nguồn nước mưa”, ông Hải cho biết.

Tuy nhiên, vấn đề khiến không ít đại biểu băn khoăn là khả năng mở rộng ứng dụng hệ thống cấp nước bằng năng lượng mặt trời sẽ gặp khó vì chi phí đầu tư cao. Cụ thể, theo ông Hải, một hệ thống có công suất thiết kế đủ nước phục vụ cho khoảng 150-300 hộ dân thì chỉ riêng chi phí đầu tư máy bơm và tấm pin đã vào khoảng 300-400 triệu đồng.

Về vấn đề chi phí đầu tư, bà Nguyễn Kim Quy, đại diện Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, phía Đan Mạch đang có chương trình cho vay ưu đãi ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, để phát triển các dự án sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời…).

Theo bà Quy, điều kiện được vay là các dự án phải có số vốn đầu tư từ 5-50 triệu Euro và phải có bảo đảm của Bộ Tài chính về khả năng trả nợ của đơn vị đầu tư. Nguồn vốn vay này chủ yếu phục vụ cho việc mua máy móc và thiết bị, chứ không bao gồm đầu tư vào hệ thống ống dẫn…

Dự án cấp nước bằng năng lượng tái tạo cho vùng ĐBSCL được Chính phủ Đan Mạch tài trợ thông qua Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 17 tỉ đồng, trong đó Chính phủ Đan Mạch viện trợ không hoàn lại trên 14,6 tỷ đồng đồng, số còn lại là vốn đối ứng của các địa phương có dự án được triển khai trên địa bàn.

Chủ dự án là Sở NN&PTNT Cần Thơ.

Dự án được triển khai trên địa bàn 13 tỉnh/thành vùng ĐBSCL với 32 công trình được thí điểm.

Thời gian thực hiện từ năm 2013 và kết thúc vào cuối năm 2014.

 


  • 27/10/2014 08:25
  • Nguồn bài và ảnh: Thesaigontimes.vn
  • 1464