Đầu tư hệ thống điện mặt trời phục vụ sản xuất, kinh doanh

Tại thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, ông Trần Văn Hà, chủ DNTN Xăng dầu Hà Mai đã mạnh dạn đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đây là mô hình sản xuất điện mặt trời áp mái công suất tương đối lớn đầu tiên của tỉnh, mở ra kỳ vọng về mô hình mới hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Ông Trần Văn Hà có ý tưởng làm hệ thống điện mặt trời từ cuối năm 2017. Sau khi nghiên cứu, khảo sát các mô hình tương tự ở các tỉnh bạn, ông quyết định tìm nhà cung cấp uy tín để triển khai. Ông Hà được tư vấn lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời thay thế mái che của 2 hồ bơi, với tổng diện tích hơn 450m2.

Bước đầu, ông cho lắp đặt 50 tấm pin năng lượng mặt trời công suất 19kWh điện/giờ nắng, với diện tích che phủ khoảng 100m2. Bên cạnh đó, ông còn trang bị 1 bộ inverter 3 pha công suất 25kWh. Tổng kinh phí đầu tư hệ thống mái che và pin năng lượng mặt trời hơn 500 triệu đồng. Với ưu điểm vị trí nắng tốt, nên chỉ sau 4 ngày lắp đặt, tổng sản lượng điện ông thu về được trên 510 kWh. Như vậy, bình quân mỗi ngày, hệ thống pin năng lượng mặt trời sản xuất được gần 130 kWh điện.

Ông Trần Văn Hà chia sẻ: Hiện nay, bên cạnh sản lượng điện dùng cho sinh hoạt, gia đình tôi còn sử dụng điện kinh doanh quán cà phê. Bình quân, mỗi tháng chúng tôi dùng hơn 3.000-4.000 kWh, tương đương 7-10 triệu đồng tiền điện (tùy thời điểm). Ngoài ra, cơ sở vừa xây xong 2 hồ bơi phục vụ kinh doanh; mỗi ngày có 3 máy bơm lọc nước, công suất 1,5HP/máy hoạt động liên tục cũng tiêu hao sản lượng điện đáng kể.

Cán bộ ngành Điện kiểm tra hệ thống điện mặt trời áp mái tại hồ bơi của ông Hà.

Bình quân mỗi ngày/đêm, gia đình ông Hà sử dụng khoảng 100kWh điện. Với sản lượng gần 130kWh điện/ngày sản xuất được đã thừa khả năng cung cấp điện cho hoạt động của cơ sở và có điện dư để bán. Tuy nhiên, hiện hệ thống điện mặt trời này chưa được kết nối lên lưới, nên lượng điện sản xuất đến đâu sử dụng đến đó và không có tích lũy điện để dùng khi hết nắng. Do vậy ban đêm, gia đình ông vẫn phải sử dụng điện lưới trong khi nguồn điện còn lại bị thừa, mất đi một cách lãng phí. Ông Hà đã đề xuất ngành Điện sớm cho đấu nối nguồn điện này lên lưới điện quốc gia, để gia đình ông tiếp tục sử dụng vào ban đêm.

Sắp tới, ông Hà sẽ lắp đặt thêm hệ thống pin năng lượng mặt trời đạt công suất thiết kế 25kWh điện/giờ nắng và sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư thêm khi ngành Điện thống nhất cụ thể về việc mua điện mặt trời. Dự kiến, sau khi được nối lưới và bán điện thành công thì khoảng 2-3 năm, ông Hà sẽ thu hồi vốn đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái này.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Khoa Trình, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên, cho biết: Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa có hướng dẫn thực hiện tạm thời đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà có công suất dưới 1MWp có nhu cầu bán điện dư cho ngành Điện. Theo đó, khách hàng có nhu cầu đấu nối lưới điện phải làm giấy đề nghị bán điện.

Ngành Điện sẽ khảo sát, hỗ trợ khách hàng lắp đặt công tơ 2 chiều, đồng thời xác định lại các thông tin của dự án như công suất, thông số các tấm pin quang điện, bộ biến đổi điện từ một chiều sang xoay chiều để chống hòa lưới khi điện lưới mất điện… Sau đó, ngành Điện sẽ ký hợp đồng thỏa thuận cho khách hàng đấu nối, tạo điều kiện cho khách hàng “gửi” điện dự trữ trên lưới điện và sử dụng khi hệ thống năng lượng mặt trời không sinh điện.

Theo ông Trình, với những hộ không sử dụng hết nguồn điện sản xuất được, ngành Điện sẽ ký biên bản thỏa thuận tạm thời về việc xác nhận chỉ số công tơ và điện năng giao nhận thực tế của khách hàng; mua điện với giá quy định là 2.086 đồng/kWh. Tuy nhiên, việc thanh quyết toán sản lượng điện dư sẽ được thực hiện khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Riêng với hộ ông Trần Văn Hà, sau khi kiểm tra các thủ tục, điều kiện, ngành Điện sẽ nhanh chóng ký hợp đồng để hỗ trợ khách hàng đấu nối lưới, tránh lãng phí nguồn điện dư thừa.


  • 04/07/2018 10:42
  • Nguồn: baophuyen.com.vn
  • 7493