Chất dinh dưỡng của cây thành điện năng
Hiện nay, thế giới vẫn có hàng trăm triệu người hàng ngày đang phải sống trong cảnh thiếu hoặc chưa được tiếp cận với nguồn điện sinh hoạt, trong đó, phần lớn là những người dân nghèo sống ở các khu vực nông thôn, miền núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, những vùng vừa phải hứng chịu những thiên tai, hay thậm chí tại các khu nhà ổ chuột tại những đô thị lớn. Cuộc sống của những hộ dân này có thể sắp được cải thiện nhờ “đèn thực vật” – phát minh mới của các nhà khoa học thuộc Đại học Universidad de Ingenieria y Tecnologia (UTEC) của Peru.
Đèn thực vật sẽ mang lại những lợi ích to lớn đối với cộng đồng, đặc biệt là những vùng đất xa xôi hẻo lánh
|
Nhóm nghiên cứu và sáng chế ra chiếc đèn thực vật này cho biết, năng lượng dùng thắp sáng cho những chiếc đèn này là dạng năng lượng dự trữ từ các vi sinh vật và những chất dinh dưỡng có chứa trong đất trồng. Năng lượng sẽ được giải phóng khi cây càng ngày càng lớn.
“Chúng tôi trồng cây trong một chậu gỗ có chứa sẵn đất và đã được thiết lập hệ thống tưới tiêu an toàn. Bên trong chậu, chúng tôi đặt hệ thống phát điện và các điện cực có thể chuyển chất dinh dưỡng của cây thành điện năng”, Elmer Ramiez, Giáo sư kỹ thuật điện tại UTEC cho biết.
Giáo sư Ramiez giải thích, “đèn thực vật” hoạt động được nhờ nguồn điện trên. Mỗi một chiếc đèn được kết nối với một cây trồng, cây càng lớn, năng lượng dự trữ cũng tăng dần. Các electron tự do được sinh ra trong quá trình ôxy hóa hoặc các dạng năng lượng khác được tích trữ dưới dạng tồn dư trong đất cũng được xử lý để “nuôi đèn”. Nguồn điện này rất an toàn đối với người sử dụng và thân thiện với môi trường. Một chậu cây sẽ cung cấp đủ năng lượng cho 1 bóng đèn LED hoạt động trong khoảng 2 giờ đồng hồ/ngày với ánh sáng mạnh nhưng điện năng tiêu hao lại rất thấp.
Lợi ích an sinh xã hội và giáo dục
Hợp tác với một công ty quảng cáo, các nhà khoa học của UTEC đã triển khai 10 cây đèn thực vật này, tặng người dân nghèo tại ngôi làng Nuevo Saposoa, vùng Ucayali, Peru dùng thử. Trước khi có dự án của UTEC, người làng Nuevo Saposoa luôn phải sử dụng đèn dầu trong tất cả mọi việc, từ học hành của lũ trẻ tới sinh hoạt của người lớn. Dùng đèn dầu vừa tốn tiền và khói bốc ra từ đèn lại ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mọi người.
Do nằm sâu trong vùng rừng nhiệt đới nên Neuvo Saposoa vẫn chưa được tiếp cận mạng lưới điện của Peru. Bù lại, với phát minh mới, rừng cây và thảm thực vật khổng lồ nơi đây sẽ là nguồn tài nguyên khổng lồ để phát triển nguồn năng lượng tái tạo mà không hề gây tác động xấu nào tới môi trường xung quanh. “Chúng tôi sử dụng tài nguyên thiên nhiên của khu vực Amazon, đảm bảo sự hài hòa với môi trường và không cần bất kỳ sự tác động nào tới nó”, Giáo sư Raimiez nói.
“Nguồn điện cần cho phát triển cho cộng đồng là vô cùng lớn. Thiếu điện sẽ tác động xấu tới an sinh xã hội và sự nghiệp phát triển giáo dục trên toàn cầu”, đó là lời khẳng định của Giám đốc Tiếp thị của UTEC Jessica Ruas. Bà cho biết thêm, tại nhiều ngôi làng nằm rải rác dọc khu rừng nhiệt đới Amazon, có hàng trăm nghìn người dân đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn điện sinh hoạt.
“Chúng tôi đang cố gắng triển khai phát minh mới và hy vọng nó sẽ mang đến chất lượng cuộc sống tốt hơn cho các gia đình trong cộng đồng, mang lại quyền học hành cho con trẻ và tạo điều kiện duy trì sự phát triển bền vững”, bà Ruas nói.