Dệt may Bangladesh lao đao vì đơn hàng giảm và khủng hoảng năng lượng

Nhu cầu ở phương Tây chậm lại và cuộc khủng hoảng năng lượng trong nước đang giáng đòn lên ngành công nghiệp dệt may của Bangladesh, nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Đơn hàng từ châu Âu và Mỹ giảm

Công ty may mặc Plummy Fashions, có trụ sở ở Fatullah, Bangladesh, ghi nhận​ đơn đặt hàng mới của khách hàng nước ngoài trong tháng 7 giảm 20% so với một năm trước đó.

Fazlul Hoque, Giám đốc điều hành Plummy Fashions, cho biết: “Các nhà bán lẻ ở cả thị trường châu Âu lẫn Mỹ đều đang trì hoãn nhận các lô hàng thành phẩm hoặc trì hoãn các đơn đặt hàng mới. Lạm phát đang tăng cao tại các thị trường xuất khẩu của chúng tôi và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi”.

Plummy Fashions là nhà cung cấp của PVH Corp (Mỹ), sở hữu thương hiệu thời trang Tommy Hilfiger và Inditex (Tây Ban Nha), công ty mẹ của chuỗi cửa hàng thời trang Zara.

Liên minh châu Âu (EU) chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh, và Mỹ đóng góp khoảng 20%.

Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA) cho biết đơn hàng từ các nhà bán lẻ và thương hiệu thời trang quốc tế cho quí từ tháng 9-11 giảm 20% so với giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6.

Faruque Hassan, Chủ tịch BGMEA, nói: “Các đơn đặt hàng đã chậm lại. Các nước phương Tây đang tăng lãi suất để chống lạm phát. Đó là lý do tại sao mọi người đang ưu tiên mua thực phẩm và trả các khoản vay thế chấp. Nhu cầu về quần áo sẽ giảm và điều này sẽ cản trở hoạt động xuất khẩu của chúng tôi”.

Các nhà xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh nhận thấy những dấu hiệu đáng ngại từ việc cắt giảm dự báo lợi nhuận cả năm của tập đoàn bán lẻ Walmart (Mỹ) cũng như cam kết giảm giá bán quần áo của nhà bán lẻ này.

Đơn hàng dệt may xuất khẩu suy giảm là một rủi ro lớn đối với nền kinh tế Bangladesh, nơi ngành may mặc chiếm hơn 10% GDP và sử dụng 4,4 triệu lao động. Nhu cầu hàng thời trang suy giảm ở phương Tây xảy ra vào vào thời điểm không thể tệ hơn đối với với các nhà xuất khẩu của Bangladesh khi giới chức trách sử dụng biện pháp cắt điện luân phiên để bảo toàn nguồn nhiên liệu dự trữ trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng đang lan rộng toàn khu vực, một phần do tác động của cuộc chiến ở Ukraine.

Ông Hoque nói: “Nguồn cung cấp năng lượng không bị gián đoạn là yếu tố then chốt để chúng tôi giao hàng đúng thời hạn. Chúng tôi đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong nước lẫn ngoài nước”.

Tổng công suất điện của Bangladesh lên tới 25.700 MW, cao hơn so với mức đỉnh của nhu cầu là 15.000 MW. Tuy nhiên, ngành điện của Bangladesh ngày càng phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu bao gồm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Điện sản xuất từ khí đốt chiếm 60% tổng sản lượng điện của Bangladesh nhưng nước này nhập khẩu đến 25% nhu cầu khí đốt.

Kể từ tháng 6, Bangladesh phải cắt điện thường xuyên do nguồn cung khí đốt thiếu hụt. Đất nước Nam Á này đã dừng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường giao ngay trong tháng 6 vì giá tăng cao.

Công nhân làm việc trong một nhà máy sản xuất hàng may mặc ở Dhaka, Bangladesh

Sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu năng lượng

Khi cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng nghiêm trọng do giá khí đốt tăng, chi phí kinh doanh trong ngành cũng tăng lên. Standard Group, một trong những nhà xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu của Bangladesh và nhà cung cấp của các thương hiệu nổi tiếng như Gap, H&M, phụ thuộc vào máy phát điện ít nhất ba giờ mỗi ngày để cung cấp năng lượng cho các bộ phận nhuộm và giặt của mình tại cơ sở sản xuất ở ngoại ô thủ đô Dhaka.

Atiqur Rahman, Chủ tịch Standard Group, cho biết: “Chi phí điện từ máy phát điện cao gấp ba lần so với giá điện từ lưới điện quốc gia. Chúng tôi không thể đóng cửa các bộ phận nhuộm và giặt do mất điện. Nếu chúng tôi làm vậy, tất cả các vải sẽ bị lãng phí ”.

Ngoài ra, nguồn cung khí đốt thiếu hụt cũng ảnh hưởng đến nhiều công ty dệt may vì đây là nhiên liệu để đốt các nồi hơi.

Lãnh đạo Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng dệt kim Bangladesh (BKMEA) và Hiệp hội các nhà máy dệt Bangladesh (BTMA) cũng như các nhà máy may mặc trong nước cho biết sản lượng của họ giảm từ 40–50% do nguồn cung khí đốt giảm.

Theo Fazlul Hoque, Phó Chủ tịch BTMA, sản lượng tại một số nhà máy của hiệp hội này xuống dưới mức 50% do thiếu khí đốt.

Ông nói: “Chúng tôi đã gửi thư cho chính phủ để yêu cầu cung cấp khí đốt và điện liên tục cho các ngành công nghiệp có định hướng xuất khẩu. Nhưng chính phủ nói rằng họ không thể nhập khẩu LNG do giá cao”.

Chủ tịch BKMEA, Mohammad Hatem cũng cho biết sản lượng hàng dệt kim định hướng xuất khẩu cũng giảm xuống 50% chủ yếu do thiếu khí đốt, trong khi đó, thời gian cúp điện hai giờ mỗi ngày có thể kiểm soát được.

Khó khăn càng chồng chất khi sự mất giá của đồng euro so với đồng đô la Mỹ làm xói mòn sức cạnh tranh của hàng dệt may xuất khẩu từ Bangladesh, vốn được định giá bằng đô la.

Charlie Robertson, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Ngân hàng đầu tư Renaissance Capital (Anh), nói: “Quần áo là một mặt hàng mua sắm tùy ý. Khi hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình ở châu Âu tăng cao, thì mọi người phải cắt giảm các khoản chi tiêu tùy ý và quần áo là một trong những khoản đó”.

Robertson cho biết hàng may mặc xuất khẩu của Pakistan trở nên “rẻ hơn rất nhiều” do đồng tiền của nước này suy yếu. Ông nói: “Điều đó làm tăng thêm áp lực cho ngành công nghiệp dệt may Bangladesh giữa lúc các khách hàng ở châu Âu giảm đặt đơn hàng mới do tăng trưởng doanh số của họ đang chậm lại”.

Do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, xuất khẩu hàng dệt mặc của Bangladesh giảm xuống chỉ còn 27,95 tỉ đô la trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6-2020, mức thấp nhất trong 5 năm, trước khi bắt đầu phục hồi. Bangladesh chứng kiến xuất khẩu hàng may mặc tăng lên mức kỷ lục 42,6 tỉ đô la trong năm tài chính 2021-2022. Con số này chiếm đến 82% tổng kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh. Nhưng với nhu cầu đang suy giảm ở phương Tây và cuộc khủng hoảng năng lượng, triển vọng của ngành công nghiệp dệt may Bangladesh đang trở nên u ám.

Bangladesh đã tìm kiếm một khoản vay giải cứu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khi chi phí nhập khẩu năng lượng đang bào mòn nguồn dự trữ đô la của nước này. Dự trữ ngoại hối của Bangladesh đã giảm xuống còn 39,79 tỉ đô la vào ngày 13-7 từ mức 45,33 tỉ đô la vào một năm trước đó. Con số đó đủ để chi trả cho khoảng bốn tháng nhập khẩu. Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Bangladesh đã tăng lên mức kỷ lục 33,3 tỉ đô la trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6.

Link gốc


  • 03/08/2022 09:12
  • Nguồn: thesaigontimes.vn
  • 1578